Tháng Giêng năm Nhâm Tý (1432) dưới triều vua Lê Thái Tổ có giặc ở Châu Mường Lễ (Lai Châu) do Đèo Mạnh Vương-con trai tù trưởng Đèo Cát hãn cầm đầu nổi lên quấy phá. Trong đội quân triều đình đi đánh dẹp có ông Nguyễn Như Lâm-con trai thứ của tướng quân Nguyễn Chích được cử giữ chức trưởng hạ. Sau khi dẹp được Đèo mạnh Vượng, ông làm biểu tâu với triều đình đổi tên Châu Mường Lễ thành châu Phục Lễ, rồi làm bài văn “Thâm sơn Phục Lễ" nói về việc đánh thắng giặc và cho đục bia vào vách đá ở phía nam núi Cửu Nhạn để ghi công. Sau đó, trong một lần đi giải quyết công việc cho triều đình, ông Nguyễn Như Lâm đã qua huyện Nam Xương. Thấy nơi mới đến là vùng đất tốt, ông liền xin phép nhà vua rồi đem gia quyến xuống tiến hành khai hoang, mở đất. Biết bao khó khăn thử thách từ buổi ban đầu khi đặt chân đến, nhưng với tinh thần lao động cần cù, lại được Bồi thần Nguyễn khả Chí giúp cho 500 quan tiền nên chỉ ít lâu sau, Nguyễn Như Lâm và mọi người đi theo đã khai phá được 350 mẫu ruộng, trong đố có 100 mẫu ở vùng đất cao.
Chùa Quang Ốc
Khi làng xóm đã hình thành, người từ các nơi nghe tiếng kéo đến xin định cư ngày một đông. Nguyễn Như Lâm liền đặt tên cho nơi ở mới là ấp Quang Tiền, đồng thời xin cáo quan và cùng với vợ con xây dựng nhà cửa để cư trú. Ngoài việc gieo trồng, cấy hái, ông còn dạy dân nghề nuôi cá, ép hạt cây để lấy dầu. Sản phẩm làm ra, một phần phục vụ đời sống hành ngày, một phần đem trao đổi, bán ở khu vực Cầu không ngày nay.
Vào khoảng năm Canh Thân (1560), dưới triều vua Lê Anh Tông, trong một lần đem quân đi đánh Mạc Đăng Doanh, chúa Trịnh Kiểm đã dừng chân nghỉ lại ở ấp Quang Tiền. Sau đó, ông đã cho nhân dân tiền của để xây dựng đền, chùa rồi đổi tên ấp Quang Tiền thanh ấp Quang Ốc.
Năm Quý Hợi (1563), có ông Đỗ Công Hưng theo lệnh vua Lê đi sứ Ma Cao. Khi thuyền đến quãng sông gần ấp Quang Ốc, ông mơ thấy có vị thần đến chỉ bảo cách ứng xử với vua Ma Cao. Tỉnh dậy, ông liền rời thuyền lên bờ tìm vào đền lễ bái rồi nghỉ tại nơi đây một đêm. Sau khi công việc đi sứ xong xuôi. Đỗ Công Hưng đã cấp tiền bạc cho nhân dân địa phương sửa chữa lại cả đền và chùa. Tại cửa đồng trụ ngoài hiên chùa Quang Ốc còn còn câu đối nhấn vữa nói về các sự kiện trên.
Tượng phật bà quan âm trước sân chùa
Công lao khai hoang, mở đất, dựng đền, chùa của Nguyễn Như Lâm và Chúa Trịnh Kiểm đã được nhiều thế hệ ở địa phương ghi nhận. Tại 2 tường chùa còn đôi câu đối khắc gỗ sơn son, thép vàng nói về nội dung này.
Chùa Quang Ốc gồm 2 tòa, 9 gian thiết kế kiểu chữ Đinh. Công trình nổi bật hơn cả là tòa bái đường 5 gian với lối kiến trúc mái thẳng lợp ngói nam..Chùa được xây dựng theo phong cách nghệ thuật của thời nhà Nguyễn. Nối liền với tòa bái đường, bằng kỹ thuật giao mái bắt vần độc đáo là 4 gian tam bảo mái phẳng lợp ngói nam, xung qunh xây tường gạch. Các vì kèo trong tòa tam bảo làm theo kiểu chồng giường. Mê cốn đặt trên bộ khung được liên kết bởi 6 cột tròn và hệ thống câu đầu, xà lòng, xà nách bằng gỗ lim trắc khỏe.
Trên vì kèo ngoài cùng của tòa tam bảo lắp bộ cửa võng trang trí kiểu rồng chầu, tứ linh với nghệ thuật đục trạm, nhấn tỉa sắc nét được phủ một lớp sơn son thép vàng.
Bức đại tự và nơi thờ tự trong chùa Quang Ốc
Chùa Quang Ốc còn bảo lưu được hệ thống tượng pháp, tuy không còn nhiều nhưng tương đối đầy đủ bao gồm các pho Tam Thế, A Di Đà, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thổ Địa, Thánh Tăng, Bồ Tát, Phật Bà 12 tay, tòa Cửu Long và tượng Hộ pháp. Các tượng đều được phủ một lớp vàng son lộng lẫy. Phía trước tượng Thích Ca đặt một mảng chạm đề tài "Cửu Long tranh châu" với nghệ thuật kênh bong điêu luyện.
Với những giá trị lịch sử nêu trên năm 1996 chùa Quang Ốc được xếp hạng di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh. Là công trình kiến trúc quy mô, mặc dù đã nhiều lần tu sửa nhưng vẫn bảo lưu được phong cách nghệ thuật truyền thống của dân tộc.