Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cụm di tích đền trong, đền ngoài về miếu Phúc Châu

Tin tức, sự kiện  
Cụm di tích đền trong, đền ngoài về miếu Phúc Châu
Cụm  di tích đền trong, đền ngoài và miếu có tên gắn với tên thôn là Phúc Châu (Phúc Châu nghĩa là Bãi Phúc, mang ý nghĩa mảnh đất tích tụ nhiều điều tốt lành). Cụm di tích nằm trên địa phận thôn Phúc Thượng, xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Công trình và trang trí kiến trúc

1. Đền ngoài

Công trình kiến trúc

Đền ngoài Phúc Châu tọa lạc phía ngoài, trên 1 khu đất rộng 6438m². Đây là đền thờ chính trong cụm di tích vì thờ công đồng 3 vị thần trong cụm di tích làng Phúc Châu. Mặt chính diện quay hướng Nam. Bố cục mặt bằng đền hình chữ nhị, thiết kế kiến trúc mang phong cách thời Nguyễn, gồm hai tòa: tiền đường 3 gian, hậu cung 1 gian, chia làm hai cung. Tòa tiền đường xây bít đốc giật cấp. Bộ khung chịu lực tòa tiền đường gồm 4 vì làm kiểu chồng rường giá chiêng. Mỗi bộ vì có 4 cột gồm hai cột cái, hai cột quân, các cột đều được làm bằng gỗ lim già, kê trên chân tảng đá xanh vuông 0,35m. Nền tiền đường lát gạch bát tràng, mái lợp ngói nam, hoành vuông rui tấm đều đặn. Căn cứ vào những gì còn lưu trữ lại thì đền được xây dựng vào đầu thời Nguyễn, và được tu sửa lớn vào ngày 27 tháng 12 năm Giáp Tý, niên hiệu Khải Định 9 (1924).

Từ tiền đường vào hậu cung qua 1 khoảng sân rộng trên 2m, vào hậu cung qua 3 ô cửa, phần mái ô cửa giữa tạo 4 mái cong, trên bờ nóc đắp đôi kìm, dưới mái chạm phượng ngậm dải lụa, trên cửa hai bên đắp rồng cuốn.

Tòa hậu cung 1 gian chia làm hai cung, phần ngăn cách 2 cung là 1 lớp cửa, hậu cung có chiều dài 4,8m; rộng 3,65m xây bít độc giật cấp, mái lợp ngói. Kết cấu kiến trúc gồm 2 bộ vì gối lên tường, nền hậu cung lát gạch bát tràng. Hai bên đầu sân ngăn cách với tiền đường và hậu cung, xây hai cung thờ, bên trái là cung thờ quan văn, bên phải cung thờ quan võ.

Trang trí kiến trúc

Chạm khắc ở đền ngoài tập trung chủ yếu ở tòa tiền đường, trên các con rường vì nóc gian giữa tiền đường với các họa tiết hoa văn lá lật cách điệu, lá hỏa, mây tản.

Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, đền ngoài Phúc Châu còn lưu giữ được một số đồ thờ, hiện vật có giá trị.

Kê gian giữa tòa tiền đường là chiếc hương án dài 1,4m; rộng 0,80m; cao 1,6m. Mặt trước hương án chạm khắc kín các hoa văn họa tiết thể hiện các đề tài khác nhau. Diềm trên cùng chạm rồng chầu mặt nhật, diềm dưới chạm chữ vạn, phía dưới chạm rồng chầu chữ thọ. Dưới các diềm chạm 30 ô đăng đối các đề tài phượng, mây, chữ thọ, rồng giáng, rồng chầu, mặt hổ phù, chữ thọ... Đặc biệt dưới chân hương án chạm hình 2 đô vật, đây là nét đặc sắc phản ánh truyền thống môn vật cổ truyền Phúc Châu. Mặt bên hương án chạm khắc giống nhau rồng chầu, hổ phù ngậm chữ thọ. Hương án vẫn giữ nguyên được lớp sơn thiếp xưa, chạm khắc kiểu dáng mang đậm phong cách nghệ thuật đầu thời Nguyễn.

Kê gian bên tiền đường là kiệu long đình dài 3,6m; rộng 2,1m. Các đòn kiệu được tạo hình đầu rồng vươn cao, mắt tròn lồi, miệng ngậm ngọc, trán dô cao, 6 đao mác bay ngược về phía sau. Các mặt ngoài của các đòn dọc chạm mặt hổ phù. Dưới các thân đòn chạm rồng, phượng...Long đình mái hình mui thuyền, long đình tạo 4 cửa xung quanh, 4 góc là các trụ, diềm cửa chạm rồng giáng, cánh sen dẹo, rồng chầu mặt nhật, các họa tiết hoa văn trên kiệu sắc nét, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

2. Đền Trong và Miếu.

tr (2).jpg

Đền trong

Công trình kiến trúc

Đền trong Phúc Châu được xây dựng cách đền ngoài khoảng 50m, cùng khuôn viên và cùng hướng với đền ngoài. Mặt bằng kiến trúc đền trong hình chữ định, tòa tiền đường ba gian có tổng chiều dài 7,97m; rộng 5,75m, xây bít đốc, mái lợp ngói nam, nền lát gạch chỉ đỏ. Bộ khung chịu lực tòa này gồm 4 vì, hai vì nóc gian giữa làm kiểu chồng rường giá chiêng, hai vì gian bên được thiết kế vì kèo gác lên tường. Các xà được bào gọt nhẵn nhụi cùng với hệ thống kết cấu hoành rui chắc khỏe.Toa hậu cung 1 gian dài 3,96m; rộng 2,83m. Kết cấu gồm 2 bộ vì gối lên tường, công trình kiến trúc đền trong tuy có phần đơn giản những vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ truyền dân tộc.

Miếu Phúc Châu được xây dựng phía trong cách đến trong 70m, nằm cùng hướng và cùng khuôn viên với đền trong và đền ngoài, miếu 1 gian thờ ông tổ môn vật Phúc Châu là Đô Hồ Nhà Trấu, mái miếu xây hai tầng 8 mái, trên phần cổ đản của mái đắp rồng, phượng. Bên trong cung thờ đặt ngai thờ, kiếm, kỷ đài và một số đồ thờ có giá trị khác.

mieu (3).jpg

Miếu

Trang trí kiến trúc

Các mảng chạm khắc ở đền trong chủ yếu tập trung ở hai bức mê vì nách gian giữa tòa tiền đường, trên bức mê chạm khắc rồng chầu, rồng với đầu ngẩng cao vươn ra khỏi mảng chạm, đao mác rồng chảy xuôi về phía sau, các móng vuốt bám chặt vào các làn mây tản. Bức chạm mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, hiện nay đền Trong còn lưu giữ được 2 cỗ ngai thờ tướng Hoàng Lang – con vua Lý Thái Tông và ông tổ môn vật Phúc Châu Đô Hồ Nhà Trấu.

Nhân vật lịch sử được thờ tại di tích

Theo các tư liệu Hán văn và Thần tích thần sắc hiện còn lưu giữ tại cụm di tích thì đền trong Phúc Châu thờ vị tướng nhà Lý là Hoàng Lang – con vua Lý Thái Tông, đền ngoài thờ Nguyệt Minh công chúa; miếu Phúc Châu thờ vị tổ của môn vật cổ truyền Phúc Châu húy là Đô Hồ Nhà Trấu.

Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

Thôn Phúc Châu Thượng và Phúc Hạ, xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân có bề dày lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng anh dung kiên cường. Thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tại cụm di tích đền trong, đền ngoài và miếu Phúc Châu đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của địa phương. Ngày nay, cụm di tích là địa điểm hội họp, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân hai thôn Phúc Thượng và Phúc Hạ (làng Phúc Châu xưa).

Nơi đây thường diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong thôn, nổi bật là các kỳ lễ sau (tính theo âm lịch)

- Ngày 10 tháng 2 ngày vào xuân

- Ngày 26 tháng 4 ngày vào hạ

- Ngày 10 tháng 8 ngày vào thu

- Ngày 12 tháng 6 ngày sinh tướng Hoàng Lang

- Ngày 12 tháng 11 ngày hóa tướng Hoàng Lang

- Ngày 18 tháng 8 ngày sinh ông tổ môn vật Phúc Châu Đô Hồ nhà Trấu

- Ngày 30 tháng 9 ngày hóa ông tổ môn vật Phúc Châu Đô Hồ nhà Trấu

- Ngày 15 tháng 2 ngày sinh Nguyệt Minh công chúa

- Ngày 1 tháng 12 ngày hóa Nguyệt Minh công chúa

Hội làng Phúc Châu được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm nhằm kỷ niệm ngày sinh của Nguyệt Minh công chúa – vị thần thờ ở đền ngoài.

Vài nét về nguồn gốc và quá trình tồn tại và phát triển của môn vật cổ truyền Phúc Châu

Môn vật Phúc Châu có lịch sử gần 800 năm, cụ tổ là Đức Thánh Đệ tam húy Đô Hồ Nhà Trấu, ông sống thời nhà Trần, hiện nay được thờ ở miếu Phúc Châu, từ đó đến nay có lúc thăng lúc trầm. Tôn chỉ của cụ tổ nghề là nghiêm cấm dùng miếng hiểm khi tranh giải, chỉ khi gặp kẻ thù mới được dùng đến độc thủ, môn võ cổ truyền này rèn luyện được đức tính can đảm, táo bạo, nhanh nhẹn và nhất là sức khỏe. Những người tham gia vật không được ăn cơm, chỉ ăn cháo cho nhẹ người.

Luyện tập gồm có: Luyện dồn gân, giữ hơi, các đô vật phải ôm chum mấy tiếng. Luyện bàn tay, cánh tay bằng cách nắn bóp đốt tre, dóng luồng cho cứng. Vật Võ Phúc Châu có 36 miếng nền tảng gồm 18 miếng đánh và 18 miếng đỡ.

Trải qua 800 năm, môn vật cổ truyền dân tộc Phúc Châu đã phát triển, nòng cốt là hai làng Phúc Thượng và Phúc Hạ rồi lan ra cả xã. Hàng năm, các đô vật của làng thường xuyên luyện tập và tham gia các giải thi đấu của tỉnh và quốc gia với những gương mặt tiêu biểu như: Đô vật Nguyễn Văn Đức - huy chương đồng tại giải toàn quốc, Đô vật Nguyễn Văn Đấu – Huy chương vàng tại giải vật tỉnh Hà Nam Ninh.


Phòng VH-TT