Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình, đền Báng xã Đức Lý.

Giới thiệu chung Di tích lịch sử, danh thắng  
Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình, đền Báng xã Đức Lý.
Mảnh đất Lý Nhân không chỉ được biết đến với làng Vũ Đại, nhà văn liệt sĩ Nam Cao, đền Trần Thương và đền Bà Vũ nổi tiếng gần xa nhưng thật thiếu xót khi đặt chân tới mảng đất linh thiêng này mà các bạn không đến đình, đền Báng nay thuộc xã Đức Lý - Lý Nhân - Hà Nam. Cụm di tích Đình, đền Báng được xếp hạng di tích Văn hóa Quốc gia năm 2016 tọa lạc trên một khoảng đất trống, đình nằm trên thế đất hình rồng, vị trí đình là đầu rồng. Đền Báng nằm trên một khu đất cách đình 100m về phía Đông Bắc, đền nằm trên thế đất “ Kim quy”, toàn bộ ngôi đền nằm trên một gò đất cao được cho là mai rùa. Cụm di tích nằm gần tỉnh lộ 491 nên rất thuận tiện cho du khách tham quan.

Cụm di tích đình, đền Báng được xây dựng từ thời Hậu Lê và Nguyễn. Đình Báng thờ hai vị thần là Quý Minh Đại Vương và Thái Thuận tiên cung(công chúa Mỵ Nương).

- Quý Minh Đại Vương họ Nguyễn tên Hương, là người ở Thanh Xuyên, ông là người có tướng mạo khác thường, văn võ song toàn, mưu cao kế giỏi. Ông là em út trong gia đình có ba anh em, anh trưởng là Tuấn Công, anh hai là Sùng Công, ông là Hiển Công. Hiển Công cùng với hai anh và Thánh Tản Viên (tức Sơn Tinh – con rể vua Hùng Duệ Vương) đã có công rất lớn trong việc đánh đuổi quân Thục ra khỏi bờ cõi, mang lại thái bình cho muôn dân.

toan-canh-dinh-bang.jpg

Toàn cảnh của đình Báng

- Thái tuận tiên cung là công chúa Mỵ Nương con gái vua Hùng Duệ Vương nàng có nhan sắc tuyệt trần, diện mạo đoan trang. Nhà Vua muốn kén 1 chàng rể có tài đức, nên mở hội kén rể. Khi đó có hai người một là Sơn Tinh , một là Thủy Tinh đến tranh tài(theo truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh). Sơn Tinh và công chúa Mỵ Nương có công rất lớn trong việc đánh đuổi quân Thục ở vùng đất Lị Nhân. Với nhiều công trạng giúp nước của hai vợ chồng con gái nên vua Hùng đã phong cho con rể là Thánh Tản Viên, tôn tặng Mỵ Nương công chúa là Thái Thuận tiên cung. Cho phép nhân dân trong khu vực vùng đất Lị Nhân(Lý Nhân ngày nay) được lập đình, đền thờ. Để biết ơn công trạng của công chúa Mỵ Nương nhân dân thôn Bảng(nay là xóm Báng) đã thờ bà tại đình cùng Quý Minh Đại Vương.

Đền Báng thờ ba vị thần là Trần Liệu Công, Ngô Quốc Công, Lê Quản Công, các vị đều là tướng thời Hùng Vương. Ba vị đại vương có công đánh giặc bảo vệ đất nước, để lại nhiều ân phúc cho dân làng. Trải qua các triều đại ba vị đại vương được sắc phong là Đương cảnh thành hoàng(Dục vận trung hưng Thái phó Đại Vương); Bảo Quốc phụ chính Đại Liệu Đại Vương; Suy trung hiệp mưu Quản Ngự Đại Vương và cho phép nhân dân thôn Bảng(nay là xóm Báng) được phụng thờ các ngài mãi mãi.

mat-truoc.jpg

Mặt trước của đình Báng

Đình Báng là công trình kiến trúc quy môn lớn, nằm trên một khu đất cao phía đầu làng trên thế đất hình rồng, đình nằm vị trí đầu rồng, hai bên phía trước đình có 2 giếng tròn được cho là mắt rồng, vị trí giữa ao trước cửa đình là hòn ngọc. Căn cứ vào các tư liệu Hán nôm lưu giữ tại địa phương thì di tích được xây dựng từ thời Hậu Lê, trải qua nhiều trùng tu nhưng di tích vẫn mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền. Đình quay hướng Nam, xung quanh đình trồng nhiều cây lưu niệm nên tạo một không gian cảnh quan thoáng mát cho di tích. Bố cục mặt bằng đình Báng hình chữ đinh, gồm: tiền đường 3 gian 2 chái; hậu cung 2 gian. Tiền đường có tổng chiều dài 18,48m; rộng 8,15m, thiết kế kiểu 4 mái cong, mái lợp ngói nam được dàn trải đều đặn và cong về 4 góc đao, mang đậm phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVIII.

noi-to-tu.jpg

Không gian thờ tự đình Báng

Mảng chạm “Tứ Linh" trên mặt trong vì nách phía ngoài gian giữa tiền đường

Đền Báng nằm cách đình Báng 100m về phía Đông Bắc. Đền quay hướng Tây Nam, trước mặt đền có hồ nước trong xanh, không gian thoáng mát, thuận tiện giao thông. Công trình chính bố cục mặt bằng hình chữ đinh, gồm: tiền đường 3 gian 2 dĩ, hậu cung 2 gian. Tiền đường có tổng diện tích chiều dài 8,8m; rộng 4,2m, dĩ 0,50m. Công trình kiến  trúc xây bít đốc dật cấp, ở hai đầu bờ nóc chạm hai con kìm ngậm chặt bờ nóc, di tích mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn( Thế kỷ XIX).

noc-hau-cung.jpg

Không gian các bộ vì nóc tòa hậu cung đền Báng

Mặc dù đã trải qua nhiều lần tu bổ nhưng đình, đền vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ truyền thống dân tộc. Trên các câu kiện kiến trúc của đình và đền còn lưu giữ được nhiều mảnh chạm khắc độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao như “ Cửu long tranh châu", “Long cuốn thủy", “Tứ linh", “Tứ quý"... với nhiều hoa văn họa tiết có giá trị nghệ thuật cao. Tại cụm di tích hiện nay còn lưu giữ được nhiều đồ thờ, hiện vật có giá trị như câu đối, hoành phi, hương án, ngai, bài vị, sập thờ, kiệu...Trên các đồ thờ hiện vật có nhiều nét chạm khắc sắc như tứ quý hóa long, rồng mây, hổ phù...

cuon-thu.jpg          

  Cuốn thư treo ở gian giữa tiền đường đình Báng

bat-huong.jpg

Bát hương gốm Thổ Hà ở đền Báng

Hàng năm tại đình, đền Báng diễn ra nhiều ngày tế vào các dịp tuần tiết trong năm, ngày sinh, ngày hóa các vị thành hoàng(tính theo âm lịch).

 Ngày mồng 8 tháng 1 ngày hóa của Đô Thiên công chúa(công chúa Mỵ Nương).

Ngày mồng 4 tháng 5 ngày hóa của Quý Minh Đại Vương.

Ngày mồng 4 tháng 9 ngày sinh của Quý Minh Đại Vương.

Ngày mồng 10 tháng 6 ngày Đại lễ của làng.

Ngày 15 tháng 2 ngày hóa của ba vị Đại Vương Trần Liệu Công, Ngô Quốc Công, Lê Quản Công.