Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đình, chùa thôn hạ vĩ xã Nhân Chính

Giới thiệu chung Di tích lịch sử, danh thắng  
Đình, chùa thôn hạ vĩ xã Nhân Chính
Cụm di tích Đình, chùa Hạ Vỹ được xếp hạng di tích lịch sử Văn Hóa cấp Tỉnh năm 2010.
1. Đình Hạ Vỹ

Đình Hạ Vỹ tọa lạc trên khu đất rộng, nằm trên thế đất hình rồng, vị trí đình là thân rồng, mặt chính diện quay hướng Đông Nam.

Đình Hạ Vỹ thờ hai vị thành hoàng là: Cao Minh Đại Vương thiên thần và Thiên Quan Đại Vương thiên thần. Các vị có công tiêu trừ dịch bệnh, chống lũ lụt, bảo hộ dân ấp được bình yên, có công lập ốc dạy dân cày cấy, chăm lo thuần phong mỹ tục. Khi các ông hóa (ngày 15 tháng 2) dân ấp viết thần hiệu, xin sắc phong đèn hương bống mùa phụng sự  để ghi nhớ công ơn.

2.jpg
Quang cảnh phía trước Đình Hạ Vỹ

Cổng Đình gồm hai cột trụ xây cao bằng nhau 4m, các cột trang trí như nhau chia làm 4 phần: dưới cùng là chân cột hình vuông, thân cột hình chữ nhật được bao viền bởi các gờ, chỉ, trên là lồng đèn tạo đấu vuông dật hai cấp, trên cùng đắp đôi nghê chầu.

Tổng thể  kiến trúc Đình Hạ Vỹ có quy mô lớn, bề thế, bố cục mặt bằng hình chữ đinh gồm hai tòa: Tiền đường 5 gian, hậu cung 2 gian.

Thiết kế tòa tiền đường kiểu bít đốc dật cấp, mái lợp ngói mũi hài phẳng phiu, chính giữ bờ nóc đắp mặt hổ phù lớn với hai mắt to lồi, miệng há rộng, hai chi trước ôm chặt bờ nóc, trên hổ phù là mặt nhật. Hai đầu bờ nóc đắp đầu kìm lớn duôi uốn cong tựa lên dấu, miệng mở rộng ngậm chặt lấy bờ nóc.. Kiến trúc tòa tiền đường gồm hai vì gian giữa kiểu chồng rường con nhị, mê cốn, bẩy tiền, hai vì gian bên và hai vì hồi kết cấu kiểu chồng rường con nhị, bẩy tiền.

Hậu cung hai gian được xây kiểu hồi văn cáng bảng, mái lợp ngói nam. Cái hàng cột cái của hậu cung được làm bằng gỗ lim tạo dáng kiểu búp dòng, giữa to hai đầu nhỏ dân được bào gọt nhẵn nhịu đặt trên tảng đá xanh. Các cấu kiện ở xà nách và các con rường trên vì nóc đều được trang trí các hoa văn lá lật,lá hỏa, các đường chỉ soi, soi ống tơ.

Tổng thể Đình Hạ Vỹ được cấu trúc chặt chẽ, hợp lý có độ bền vững cao mang đậm nét phong cách kiến trúc thời Nguyễn.

Không chỉ là một công trình bề thế về kiến trúc, Đình Hạ Vỹ còn nổi bật ở nghệ thuật điêu khắc. Các mảng chạm, các mô típ, họa tiết được tạo nên bằng kỹ thuật chạm chìm, chạm nổi, chạm kênh bong, thông phong xuất hiện trên nhiều cấu kiện kiến trúc.

Tại Đình Hạ Vỹ còn lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị nghệ thuật, góp phần tôn vinh các giá trị lịch sử và văn hóa của ngôi Đình.

2. Chùa Hạ Vỹ

Chùa Hạ Vỹ có tên chữ là Trường Khánh tự, tọa lạc trên một khu đất rộng 4005m2, chùa mang phong cách kiên trúc thời Nguyễn. Mặt chính diện chùa quay hướng Tây Nam. Trước mặt chùa là ao, theo thuyết phong thủy đây là nơi tụ linh tụ phúc của làng.

          Chùa Hạ Vỹ thờ Phật, Bồ Tát và các nhân vật có liên quan đến Phật giáo. Trên phật diện các lớp tượng được bài trí từ trên xuống dưới như sau:

 Lớp thứ nhất là ba pho Tam thế

 Lớp thứ hai gồm pho Adiđà

Lớp thứ ba: Giữa là Thích ca, bên trái là Anan, bên phải là Cadiếp

Lớp thứ tư: Tòa Cửu Long đặt ở giữa, bên phải là Thổ Địa, bên trái là tượng Thánh Tăng.

Ở hai gian bên phải toà bái đườnglà hai bàn thờ Đức Thánh Hiền và Địa Tạng Vương Bồ Tát, ở hai gian bên trái tòa bái đường là hai bên thờ Đức Ông và Hộ Pháp (gồm hai pho: Khuyến Thiện và Trừng Ác).

Đi từ đường thôn vào chùa qua Tam quan gồm 3 cửa, một cửa giữa là trung quan và hai cửa bên là cửa không quan và cửa giả quan đều làm kiểu hai tầng 8 mái, trên cửa giữa là gác chuông.

Bố cục mặt chùa hình chữ đinh gồm tòa bái đường 5 gian, tòa thượng điện 2 gian. Tòa bái đường 5 gian  thiết kế kiểu bít đốc dật cấp, mái lợp ngói nam, nền lát gạch thất đỏ. Trên hai đầu bờ nóc đắp đoi kìm miệng ngậm chặt lấy bờ nóc, giữa bờ nóc đắp hổ phù ngậm chữ thọ đội mặt nhật. Các cột cái, cột quân đều làm bằng gỗ lim và kê trên chân tảng đá xanh vuông. Các câu đầu tạo kiểu má chai được soi ống tơ thanh thaost, dạ câu đầu tạo khung lõm hình chữ nhật và khắc chữ Hán. Các xà ngang, xà dọc được bao gọt nhẵn nhụi, soi ống tơ đẹp mắt. Vì nóc tòa Thượng điện kết cấu kiểu ván mê bên ngoài, trong  là kiểu cánh dơi.

6.jpg

Quang cảnh phía trước Chùa Hạ Vỹ

Ở chùa Hạ Vỹ chạm khắc tập trung chủ yếu trên bẩy tiền, các bức mê ở cả mặt trong và mặt ngoài đều được chạm khắc các hoa văn lá lật, lá hỏa cách điệu. Đáng chú ý là mảng chạm ở mặt trong vì nách gian giữa phía trong và phía ngoài tòa bái đường với đề tài “rồng cuốn thủy", bao trùm bức mê là hình ảnh một con rồng lớn với đầu ngước cao thoát ra khỏi mảng chạm. miệng há rộng đang hút nước, các đao mác mềm mại chảy xuôi về phía sau, thân rồng uốn làm nhiều khúc, các móng vuốt sắc nhọn bám chặt vào các làn mây tản.

5.jpg

Không gian thờ tự bên trong Chùa Hạ Vỹ

          Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, Chùa  Hạ Vỹ còn lưu giữ được nhiều đồ thờ quý hiếm có giá trị, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, tiêu biểu là các pho tượng được thờ trong Thượng điện. Trên cùng là ba pho Tam quan thế ngồi trên đài sen theo lối kiết già đại diện cho 3 kiếp Phật giáo. Ở giữa là tượng Thích Ca đại diện cho thời hiện tại, bên trái là tượng Phật Di Lạc – địa diện cho tương lai, bên phải là tượng Adiđà- đại diện cho quá khứ. Hàng thứ 2 gồm 1 pho tượng Adiđà ngồi trên đài sen. Hàng thứ 3 gồm 3 pho: Thích ca ngồi chính giữa, bên trái là tượng Anan, bên phải là tượng Ca diếp.Hàng cuối cùng chính giữa tòa Thượng điện là tòa Cửu long, bên phải tòa Cửu long là tượng Thổ địa, bên trái là tượng Thánh tăng. Gian hồi trái tòa bái đường là tượng Đức ông, gian hồi phải là khám và tượng thờ Đức Thánh Hiền.

         ​Hạ Vỹ là vùng đất có bề dày lịch sử truyền thống văn hóa, cách mạng. Trải qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, người dân Hạ Vỹ luôn phát huy lòng yêu nước, đoàn kết một lòng, đứng lên đánh giặc, góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, quê hương.

          Trong những năm 1935-1945, đình chùa Hạ Vỹ được chọn làm nơi nuôi dấu và che chở cho cán bộ Đảng.

          Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách, thời điểm này, Đình –Chùa Hạ vỹ là nơi được sử dụng làm lớp bình dân xóa mù chữ, nơi đặt hũ gạo quyên góp lương thực ủng hộ đồng bào những nơi xảy ra nạn đói.

          Năm 1947, tại chùa Hạ Vỹ đã công bố thành lập chi bộ xã Nhân Chính.

Từ năm 1947 đến 1950, Đình là nơi hội họp của chi bộ Đảng xã Nhân Chính phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về cuộc kháng chiến kiến quốc.       Năm 1948, Đình là địa điểm đặt trường cơ bản xã Nhân Khang.

          Từ năm 1949 đến năm 1951 Đình là nơi để kho vũ khí của huyện đội Lý Nhân cấp phát cho bộ đội chiến đấu, đây cũng là địa điểm hoạt động của du kích và bộ đội chủ lực tiểu đoàn 60 tỉnh Hà Nam. Cũng thời gian này Tỉnh đội Hà Nam đặt một trạm quân y tại chùa. Năm 1952, Trường phổ thông cấp II tỉnh Hà Nam đặt tại chùa.

          Trong những năm 1965-1969, Đình là nơi sơ tán của trường Nông nghiệp huyện, mở lớp cho những cán bộ hợp tác xã học tập khoa học kỹ thuật, thâm canh năng suất cây trồng và cũng là nơi đưa tiễn con em lên đường nhập ngũ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Nam Hà đã xây dựng một xưởng may đặt tại Chùa.

          Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đình, Chùa Hạ Vỹ là nơi phục vụ sinh hoạt tĩnh ngưỡng, hội họp của cho nhân dân.

Theo lệ lễ hội làng Hạ Vỹ mỗi năm được tổ chức một lần vào 2 ngày từ ngày 15 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch để tưởng niệm ngày mất của vị Thành Hoàng.​