Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đình Chương Lương- xã Bắc Lý

Tin tức, sự kiện  
Đình Chương Lương- xã Bắc Lý
Đình Chương Lương được xây dựng theo kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu thời Nguyễn và một phần thời Hậu Lê. Ngôi đình tọa lạc trên khu đất hình con Long Mã quay về phía Tây. Đất cổng vào có hình như hình hàm Long Mã. Sau đình có vườn đậu gọi là "miếng ẩn". Đình Chương Lương là công trình có quy mô lớn, khép kín, cảnh quan sạch đẹp.

 Đình Chương Lương còn lưu giữ được nhiều đồ thờ quý hiếm mang đậm dấu ấn nghệ thuật có giá trị của thời Nguyễn và Hậu Lê với nhiều chất liệu khác nhau như vải, giấy, gỗ, gốm, đồng, sành, sứ. Đình còn lưu giữ được Ngọc phả, 22 dạo sắc phong cho các vị thần được thờ vào thời Nguyễn và Hậu Lê, Khám, Long Ngai, 18 đầu rối bằng gỗ...

36087509_2551567474869368_2703792302081441792_n.jpg

Không gian thờ tự bên trong Đình

Đình Chương Lương thờ 6 vị thần, phụ thờ Khổng Tử và 4 học trò ưu tú

của ông cùng tổ tiên hai làng Phú Khê và Phú Ích.

     Theo các thư tịch Hán văn còn lưu giữ ở Đình như Ngọc phả, Sắc phong, Văn tế, Hoành phi, Câu đối, Bài vị, và truyền thuyết ở địa phương thì Đình Chương Lương thờ 3 vị thần, đó là: Đệ Nhất Thiên Bường Đại vương húy là Thiên bồng; Đệ Nhị Đồng Việt Cảm ứng Đại vương húy là Hồng Công; Đệ Tam Đồng soi Thành Nghị Đại vương húy là Nghị Công. Các ông là 3 vị tướng thời Hùng Vương có công giữ nước, yên dân được phong làm Bản Cảnh Thành Hoàng.

Hiện nay, 3 vị Đại vương (Thiên Bồng, Hồng Công, Nghị Công) được thờ bằng Long Ngai, bình hương có mũ áo, cân đai ở gian giữa tòa trung đình. Đệ Tứ Thập Bát Quốc Ổi Lỗi Văn Chất Tôn Thần được thờ bằng tượng gỗ tròn, chân dung 18 đầu rối, được đặt trong mộ khám thờ ở gian bên trái tòa trung đường.


36278617_2551567448202704_3702605818852540416_n.jpg

Không gian kiến trúc bên trong Đình

Về Thiên Tiên Ngọc Hoa Công chúa

          Theo truyền thuyết kể lại rằng: thuở xưa, vào một năm nước sông Hồng dâng cao, có 2 pho tượng trôi từ phía Bắc về đến khu Trạm Khê thì dạt vào bờ không trôi đi nữa. Dân khu Trạm Khê vớt lên định đưa về chùa lập bàn thờ, nhiều người không đồng ý bèn mang đốt đi. Khi đốt tượng cháy thành than có hình một chiếc khóa vàng, mọi người giữ lại chiếc khóa còn đem tro ra sông đổ. Khi ra tới gần bờ sông, tự nhiên không đi được, trời tối sầm lại. Đêm hôm đó, dân nằm mộng thấy hai vị Tiên nữ từ trên trời quở trách. Một thời gian sau, dịch bệnh hoành hành, người và vật thiệt hại vô kể. Dân chúng bèn lập đàn tế lễ, hai vị hiện về cho biết duệ hiệu, dân lập miếu thờ phụng. Từ đó, cuộc sống được bình yên.

          Thiên Tiên Ngọc Hoa Công chúa và Thủy Tinh Công chúa được thờ trong gian giữa của hậu cung có long ngai, mũ, áo, hài.

Về Khổng tử và 4 học trò ưu tú của ông

          Khổng Tử sinh vào năm thứ 21 Lỗ Tương Công, mất năm thứ thứ 16 đời Lỗ Ái Công, ông thọ 71 tuổi. Ông và các học trò ưu tú của ông được thờ ở Văn Miếu - Hà Nội, Văn Miếu-Huế và các Văn Từ, Văn chỉ trong cả nước.

          Với đạo lý "Tôn sư trọng đạo", "Khuyến học khuyến tài", tiên thứ chỉ chức sắc và Hội Tư văn đã xin phép bằng Long ngai bài vị thờ Khổng Tử và 4 học trò ưu tú của ông ở gian giữa tiền đường. Bài vị cỗ ngai chính giữa "Đại Thánh Chí Văn Tuyên Vương", hai bài vị bên phải (tính từ ngoài vào) gồm: "Trần Quốc Á Thánh Công Vị Tiền", Chiết Quốc Thuật Thánh Công Vị Tiền", "Khâu Quốc Tống Thánh Công Vị Tiền".

Các vị Tiên tổ 2 làng Phú Ích - Lương Khê

          Phú Ích - Lương Khê là hai làng có mối quan hệ gắn bó thân thiết bao đời. Theo thần phả và truyền thuyết thì đình 2 làng thờ cùng các vị thần: Mẹ của hai ông Hồng Công và Nghị Công. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", nhân dân hai làng đã thờ các vị tổ tiên ở đình làng để giữ gìn mối quan hệ giao hảo, nhắc nhở con cháu về cội nguồn. Các vị Tổ Tiên của hai làng được thờ bằng Long ngai, bài vị, bình hương ở 2 gian bên hậu cung đình.          

          Trong thời kỳ kháng chiến, di tích còn là điểm hội họp, tập hợp quần chúng nhân dân chống lại thực dân đế quốc, tay sai. Đồng thời, là nơi đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, cất giấu lương thực, vũ khí. Đình làng cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao tập thể như hát chèo, chầu văn, tuồng cổ, tổ chức các trò chơi như thi đấu vật, cờ người...

Với những giá trị Lịch sử và Văn hóa, năm 2006 Đình Chương Lương được Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.