Theo Thần tích và các tư liệu Hán văn khác hiện đang lưu giữ tại di tích thì Đình Trà Trữ thờ Đức Thánh Trần( Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), thành hoàng Linh Lang Đại Vương và Mỵ Ê Phu Nhân.
Ngôi đình có bố cục mặt hình chữ Nhị, gồm 2 tòa, tiền đường 1 gian, hai chái, hậu cung 3 gian bít đốc, xây dựng theo lối cổ truyền mang phong cách thời Nguyễn.
Tòa tiền đường thiết kế kiểu 4 mái cong, gồm 1 gian 2 chái. Mái lợp ngói Nam, trên bờ nóc, bờ dải, đầu đao trang trí hình mây cuộn, phần đầu kìm tạo đôi nghê chầu. Phần đỡ kẻ góc phía dưới đầu đao tạo hai trụ biểu, đế trụ thắt cổ bồng, thân trụ đắp nổi chữ Hán ca ngợi công lao của thần. Mặt trước của tiền đường là hệ thống của bức bàn, chồng của gian giữa gồm 4 cánh, hai gian chái 3 cánh. Tòa Tiền đường có tổng chiều dài 9,8 mét, rộng 6,13 mét. Bộ khung chịu lực được làm bằng chất liệu gỗ Lim già với kết cấu vì kèo, gồm 2 bộ vì, mỗi bên vì gồm 4 hành chân cột, cột tạo kiểu “thượng thu, hạ thách". Cột cái cao 3,7 mét, cột quân cao 2,87 mét chân cột đặt trên tảng đá xanh bề mặt nổi gương tròn cao 0,1 mét. Kiến trúc bộ vì nóc và vì nách gian giữa kiểu giá chiêng, chồng rường cụt, toàn bộ kết cấu vì đặt trên một cây đầu to khỏe. Hoành mái là những thân gỗ vuông nhẵn bóng, dui tấm dày dàn trải đều đặn. Mắt rồng lồi tròn to, miệng ngậm minh châu, hai chi trước thu gọn vào mình chụm lại vuốt râu, chi rồng 4 móng nhọn, phần thân rồng luồn qua cột cái để lại phần đuôi, đuôi rồng tạo thành một thân rường trên trên cùng của vì nách trực tiếp đỡ lấy khoảng hoành.
Trước sân Đình
Vì nách gian giữa theo kiểu chồng rưhờng cụt. Bộ nóc hai chái tạo nóc đăng đối theo kiểu vì kèo cột ván ăn mộng trên lưng. Vì góc hai chái tạo tác kiểu chồng tường cụt, thân rường được gia công độc đáo với họa tiết trang trí như lá lật, vân mây, chữ thọ vương cách điệu.
Hậu cung nối tiếp với tiền đường qua một khoảng thông thiên hẹp, nền cao hơn nền tiền đường 0,25 cm. Tòa hậu cung gồm 3 gian rộng, nằm song song với tiền đường xây dựng theo kiểu bít đốc giật cấp, mái lợp ngói di, gian chính giữa đặt khảm thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, hai gian bên, gian tả đặt Long đình thờ đức Linh Lang đại vương, gian hữu đặt đối xứng long đình thờ Mỵ Ê phu nhân.
Đình Trà Trữ xây dựng theo lối kiến trúc gỗ cổ truyền dân tộc. Trạm khắc chủ yếu trên các cấu kiện vì nóc, đầu dư, vì nóc, ván dong kẻ …vv với các đồ trang trí độc đáo như rồng, họa tiết vân mây, văn kỉ hà, lá lật, chữ thọ cách điệu, hoa chanh…vv mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài nghệ thuật trang trí kiến trúc đình Trà Trữ còn lưu giữ được nhiều đồ thờ độc đáo có giá trị tiêu biểu như: Cửa võng treo phía trên gian giữa tòa tiền đường có chiều dài 2,65 mét, cao 1,5 mét thông phong đề tài tứ linh. Phần chính giữa chạm đồ án “ Lưỡng long chầu nguyệt", rồng chầu đăng đối, thân uốn ba khúc, uyển chuyển, mềm mại, đầu ngẩng cao, hướng về phía mặt nguyệt…vv
Không gian thờ tự bên trong Đình
Phía trên của võng gian giữa tòa tiền đường treo cuốn thư dài 1,9 mét, rộng 0,7 mét. Lòng cuốn thư chạm nổi 2 chữ Hán “ Dực Lâm" với nét chạm khảm tinh sảo, hoa văn, họa tiết điêu khắc đậm nét cổ kính. Cuốn thư được làm vào mùa thu năm Giáp dần niên hiệu vua Duy Tân thứ 8( 1914)
Cuốn thư treo ở gian giữa tòa tiền đường
Gian giữa Tiền đình đặt nhang án có kích thước cao 1,2 mét, rộng 1,5 mét dài 1,9 mét. Nhang án giữ nguyên lớp sơn son thếp cổ mang đậm phong cách nghệ thuật triều Nguyễn bốn mặt trang trí đề tài tứ linh độc đáo.
Đặt ở gian giữa tòa hậu cung là cỗ khám lớn đặt long ngài thờ đức thánh Trần. Khảm được sơn son thếp vàng có chiều dài 2 mét, chiều cao 1,5 mét, rộng 1,2 mét. Khám được chạm nổi đục thông độc đáo công phu qua 2 lớp trang trí, lớp ngoài cùng là diềm trang trí với chạm nổi rồng chầu mặt nhật 2 bên chạm phượng vũ, phần thành khảm phía trên chạm đồ án lá lật hoa long chầu mặt nhật, thành 2 bên chạm rồng dáng thân quanh thành.
Chạm khắc trên bát bửu
Trước đây tại đình thường tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng của nhân dân trong làng để tưởng nhớ ngày sinh ngày mất của các vị thần vào các ngày như sau:
Ngày 20 tháng 8 ngày hóa của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn( tháng 8 Vụng Chè nước lớn mênh mông, tổ chức diễn lại tục hèm đánh trận giả trên vực)
- Ngày 12 tháng 8 ngày sinh đức Linh Lang Đại Vương
- Ngày 5 tháng 5 ngày hóa đức Linh Lang Đại Vương
- Ngày mồng 10 tháng 2 ngày ăn mừng Linh Lang Đại Vương thắng trận về hành cung khao dân làng thắng trận
- Ngày mồng 10 tháng 3 ngày hóa Mỵ Ê phu nhân
- Ngày mồng 10 tháng 6 Lễ Cầu mát( thả thuyền Rồng , voi, ngựa, vàng mã xuống Vụng Chè)
- Hội làng Trà Trữ được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng 3, lễ hội được tổ chức trong 2 ngày( mồng 9 và ngày mồng 10) chính hội là ngày mồng 10 để kị nhật ngày hóa Mỵ Ê phu nhân. Trước khi hội làng Trà Trữ được nhân dân truyền tụng bằng các câu thơ như sau:
“Bao giờ cho đến tháng ba
Lý Nhân múa rối, Bảo Đà hội chay
Phú Phúc thì giã bánh giầy
Làng Chè xôi thịt dâng ngay ra đình"
Với những giá trị đã nêu trên, năm 2014 đình Trà Trữ xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp Tỉnh.