Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đình Văn Quan xã Văn Lý

Tin tức, sự kiện  
Đình Văn Quan xã Văn Lý

         Đình Văn Quan tọa lạc trên thế đất đẹp ở đầu làng, ngôi đình xây dựng theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn, cửa quay hướng Nam, thiết kế mặt bằng kiểu chữ đinh (T). Tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian, với quy mô lớn, không gian rộng, đầu hồi được xây kiểu bít đốc giật cấp, mái lợp ngói nam, trên bờ nóc đắp nổi hai đầu kìm lớn và đường trang trí hoa chanh, phía trước cửa hai bên đầu hồi là 2 cột đồng trụ, chân cổ bồng và vách kiểu tả môn, hữu môn. Bên trong đình ở tiền đường các vì, cột bằng gỗ lim gồm có 2 hàng cột cái và 2 hàng cột quân, các vì gỗ được thiết kế kiểu chồng rường giá chiêng và chồng rường kẻ bẩy. Trên các vì gỗ được trạm khắc các họa tiết vân mây, sóng nước, lá lật, lá hoa cách điệu và các đường soi ống tơ, bộ vì nối gian giữa tiền đường với hậu cung trạm khắc rồng trầu mặt nguyệt, rồng cuốn. Đình Văn Quan thờ vị Thành hoàng Nguyệt Minh Phương Dung Công chúa (phối hưởng nhập nội Thái phó Quốc Công).

Di tích đình Văn mới trùng tu.JPG

Quang cảnh trước sân đình

Thời kỳ Cách mạng tháng 8/1945 Đình Văn Quan là nơi làm việc bí mật của cán bộ Đảng và lực lượng dân quân du kích, đồng thời là nơi tập trung nhân dân tuyên truyền đánh đuổi chế độ thực dân phong kiến.

Ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến". Đình Văn Quan là nơi Ủy ban hành chính kháng chiến của xã và các tổ chức Cách mạng ở địa phương thường xuyên làm việc, khu vực ngoại tự của đình là nơi lực lượng  dân quân du kích của xã tổ chức huấn luyện.

Tháng 10/1948, Tỉnh Ủy Hà Nam đã tổ chức hội nghị Đảng bộ tỉnh tại Đình Văn Quan.

Năm 1949 - 1954, thực dân Pháp về chiếm đóng ở khu vực tỉnh Hà Nam. Chúng đã xây dựng bốt ở Điệp Sơn - Duy Tiên, Chợ Sông - Bình Lục, Chi Long - Nguyên Lý. Chúng đã thường xuyên tổ chức những trận càn qua xã Văn Lý để uy hiếp tinh thần, cướp tài sản của nhân dân, lùng sục bắt cán bộ, bộ đội và dân quân du kích.

Đội múa lân Văn Quan biểu diễn.JPG

Không khí lễ hội tại sân đình

Trải qua thời gian trường tồn theo lịch sử, năm 2016 ngôi Đình  bị xuống cấp. Phần tường hồi phía tây đã bị lún, nứt, bờ nóc đã bị gãy, đứt. Phần tường phía sau đã bị lở phần trát, các hoa văn ở tường đã bị tụt, lở. Phần mái, một số hoành và các vì gỗ ở hậu cung bị mối, mục phải thay thế. Phần mái tiền đường, một số cấu kiện gỗ đã bị mối, dui bị mục gãy, các kẻ bẩy ở ngoài hiện bị lún, xệ, toàn bộ ngói đã bị xô, dột, không đảm bảo an toàn sinh hoạt tín ngưỡng và bảo tồn di tích.

Được sự nhất trí của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, tháng 10/2016, nhân dân thôn Văn Quan đã tổ chức thi công trùng tu tôn tạo di tích Đinh Văn Quan, tháo dỡ hạ dải toàn bộ các vì và cột gỗ bên trong đình để sửa chữa thay thế phần gỗ đã bị mối mục, phục chế lại các hoa văn trạm khắc trên gỗ bị sứt gãy, thay toàn bộ ngói lót mới và bổ xung ngói lợp mới còn thiếu ở mái sau tiền đường và mái hậu cung, toàn bộ cửa gỗ cũ kiểu bức bàn đã bị dạn nứt thay bằng cửa gỗ lim mới kiểu bức bàn, ngạch cửa chèn bằng đá xanh xẻ tạc hoa văn. Phần nền lát lại bằng gạch đỏ và đá xanh xẻ tạc nhám. Phần tường xây lại những chỗ lún nứt và trát lại những chỗ bị bong tróc. Bờ nóc cốn lại và đắp họa tiết các con giống, đường chỉ trang trí (Thay đường hoa chanh cũ). Phần bên trong đình ở hậu cung. Bên dưới hàng xà hạ cột cái bên trong tiền đường và vì giữa hậu cung được bổ xung lắp giáp cửa võng trang trí, bên trên cửa võng là bức hoành phi, ở hàng cột cái và cột quân tiền đường, hậu cung lắp giáp các câu đối. Ngoài sân trước cửa tiền đường trưng bày bộ đỉnh hương tạc bằng đá xanh và cây cảnh.

Rước kiệu lễ đình Văn.JPG
Đội rước kiệu lễ đình Văn Quan

Tháng 10/2017 đình Văn Quan được trùng tu hoàn thành, nhìn chung di tích Đình Văn Quan đã được trùng tu hoàn thành. Xong cơ bản về hình thức kiến trúc được giữ nguyên như phong cách ban đầu.

Với những giá trị Lịch sử kể trên năm 2012, Đình Văn Quan đã được cơ quan Bảo tàng tỉnh Hà Nam khảo sát nghiên cứu lập hồ sơ và Sở Văn hóa thông tin trình UBND tỉnh Hà Nam công nhận Đình Văn Quan là “Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật”.​