Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mô hình nuôi cấy Đông trùng hạ thảo ở chi hội thôn Trung Tiến xã Công Lý

Tin tức, sự kiện  
Mô hình nuôi cấy Đông trùng hạ thảo ở chi hội thôn Trung Tiến xã Công Lý
Anh Nguyễn Trọng Bằng (hội viên hội nông dân chi hội thôn Trung Tiến xã Công Lý) là người tiên phong nuôi cấy thành công Đông trùng hạ thảo chất lượng cao trên địa bàn huyện. Đây là mô hình điển hình của Hội Nông dân xã Công Lý. Từ mô hình này đã cho gia đình anh thu nhập mỗi năm hơn 350 triệu đồng và được nhiều hội viên trong, ngoài xã đến thăm quan, học tập và làm giàu từ mô hình.​

Anh Nguyễn Trọng Bằng sinh năm 1982 là hội viên hội nông dân chi hội thôn Trung Tiến xã Công Lý. Anh là người tiên phong nuôi cấy thành công Đông trùng hạ thảo chất lượng cao trên địa bàn huyện. Từ mô hình này đã cho gia đình anh thu nhập mỗi năm hơn 350 triệu đồng và được nhiều hội viên trong, ngoài xã đến thăm quan, học tập mô hình.

Trao đổi với Anh Bằng cho biết : “Đông trùng hạ thảo là tên gọi của một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi với ấu trùng của một loài côn trùng. Trong đông trùng hạ thảo có 17 loại Axit Amin khác nhau, các nguyên tố vi lượng như nhôm, kẽm, kali và nhiều loại vitamin…các hợp chất này có tác dụng bồi bổ, phục hồi các hư tổn trong cơ thể con người"

Cơ may để anh Bằng đến với Đông trùng hạ thảo này là khi anh sang lao động tại Hàn Quốc vào năm 2010. Công ty anh làm việc là một công ty chuyên sản xuất nấm và đông trùng hạ thảo của Hàn Quốc. Trong thời gian lao động anh tìm đọc tài liệu về nấm và biết đến đông trùng hạ thảo. Được coi là lạ mà hay, từ sự tò mò rồi anh quyết tâm thử sức. Năm 2015, anh trở về địa phương anh lập tức biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Cùng với những kiến thức, kinh nghiệm học được anh tiếp tục đi học hỏi các mô hình nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo trong cả nước, thâm trí anh còn sang cả Thái Lan để học tập. Sau đó về đầu tư cơ sở vật chất để nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Ban đầu việc nuôi cấy gặp rất nhiều khó khăn.  

Sự kiên trì, mày mò nghiên cứu và cố gắng của anh Bằng, đầu năm 2016 mẻ nấm đông trùng hạ thảo đầu tiên đã thành công. Những sợi nấm đông trùng hạ thảo thu hoạch được đưa lên Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia - Bộ Y tế để kiểm định, kết quả Đông trùng hạ thảo của anh có kết quả dược tính cao gần tương đương với nuôi cấy trong trong tự nhiên. Sản phẩm của anh sau khi thu hái được sấy khô và đóng gói thành phẩm mang thương hiệu Minh Đức.

Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy chủ yếu trên 2 dạng : Dạng nuôi cấy trên môi trường chất dinh dưỡng tổng hợp gồm : gạo lứt, nước dừa, khoai tây, giá đỗ, trứng gà, nhặm tằm, cao nấm men, bột yến vụn, VitaminB1; dạng thứ hai được nuôi cấy trên ký chủ là Nhộng Tằm. Qua quá trình nuôi cấy anh Bằng đã lựa chọn cách nuôi trên môi trường dưỡng chất tổng hợp. Theo anh Bằng nuôi cách này cho năng xuất cao, giá thành rẻ hơn. Anh Bằng cho biết thêm : “Để đảm bảo chất lượng của đông trùng hạ thảo, điều kiện nuôi cấy luôn phải đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng như các giai đoạn của thời tiết trên độ cao hàng nghìn mét. Cụ thể , khi ủ phải duy trì nhiệt độ phòng 25 độ C độ ẩm 85%, tiếp theo chuyển sang xử lý tại phòng kín có nhiệt độ từ 18-24 độ C, độ ẩm 85%, sau đó chuyển sang phòng nuôi đảm bảo nhiệt độ ổn định từ 18-22 độ C duy trì đến khi thu hoạch. Việc đảm bảo về độ ẩm và ánh sáng được anh kiểm tra nghiêm ngặt để có được những mẻ đông trùng hạ thảo có dược tính cao nhất".

Sau 5 năm nghiên cứu với nhiều những thất bại, hiện tại cứ 3 tháng nuôi cấy, anh Bằng lại thu hoạt những mẻ đông trùng hạ thảo mới. Hiện nay, cơ sở đông trùng hạ thảo Minh Đức đã cung cấp cho thị trường những sản phẩm đông trùng hạ thảo dạng khô, dạng tươi, rượu ngâm. Riêng sản phẩm dạng khô mỗi tháng cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 3 kg. Giá mỗi 1kg là 40 triệu đồng. Một lọ nuôi trồng có dung tích 450ml thu được từ 20 - 25g sản phẩm tươi; 1kg sản phẩm tươi sấy khô được 150g thành phẩm. Khách hàng của gia đình anh chủ yếu là các cửa hàng thuốc Đông y, người thân và bạn bè quen biết. Chia sẻ về việc mở rộng mô hình anh Nguyễn trọng Bằng cho biết thêm: Hiện nay đã nắm rõ được quy trình sản xuất và anh sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật cho hội viên nào có nhu cầu nuôi cấy đông trùng hạ thảo trong và ngoài địa phương.

Nhu cầu sử dụng đông trùng hạ thảo hiện nay rất nhiều nhưng đa số là sản phẩm khô, chất lượng cũng như dược tính bị giảm. Do đó, mô hình phát triển được nhiều cơ sở nuôi cấy thì sẽ có thêm nhiều sản phẩm tươi cho người dùng.

Đây là mô hình điển hình của Hội Nông dân xã Công Lý. Hội Nông dân xã Công Lý​ đã và đang tiếp tục tuyên truyền mô hình nuôi cấy Đông trùng hạ thảo ở chi hội thôn Trung Tiến để cho nhiều hội viên trong và ngoài địa phương đến thăm quan, học tập và làm giàu từ mô hình.​

Hội Nông dân huyện Lý Nhân