Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững tỉnh Hà Nam

Tin tức, sự kiện  
Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững tỉnh Hà Nam

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Qua hơn 22 năm triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã khẳng định đây là một trụ cột quan trọng trong thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trên khắp cả nước.

nhandansx.jpg
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân Hà Nam phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững

Hà Nam là tỉnh nằm ở phía Tây Nam châu thổ sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội với diện tích đất tự nhiên 862 km, là tỉnh nằm trên trục đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 1A – huyết mạch giao thông quan trọng của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu hợp tác kinh tế với các tỉnh, thành phố và các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Dân số của tỉnh đến cuối năm 2024 khoảng 894 nghìn người với trên 280 nghìn hộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 1,51%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 1,79%.

Trải qua 22 năm xây dựng và phát triển, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của NHCSXH Trung ương, sự ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội, nhờ đó hàng năm chi nhánh đều hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao (cho vay hộ nghèo, cho vay Giải quyết việc làm) với mục đích cho vay để đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đến nay chi nhánh đang thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng (tăng 10 chương trình tín dụng so với khi mới thành lập) với mục đích cho vay được mở rộng sang cả lĩnh vực phục vụ đời sống.

Đến 31/12/2024 tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt 3.534 tỷ đồng, tăng 10,29% so với năm 2023, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt hơn 208 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 3.528 tỷ đồng, tăng 10,24% so với năm 2023. Thông qua 109 Điểm giao dịch, đến hết năm 2024 Chi nhánh đã tổ chức an toàn 1.308 phiên giao dịch cố định tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn cùng với mạng lưới 3.114 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, tổ dân phố với phương châm “giao dịch tại nhà, thu nợ tại xã", nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 17.924 lượt khách hàng được vay vốn, với số tiền là 1.188,6 tỷ đồng; nguồn vốn cho vay tạo việc làm mới cho 3.317 lao động, hỗ trợ xây dựng 15.152 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 2.340 lượt HSSV vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng 135 căn nhà ở xã hội cho Hộ gia đình theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, tạo điều kiện cho 56 người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội cũng không ngừng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,15% trên tổng dư nợ.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách, trong năm Chi nhánh đã phối hợp với các sở, ngành địa phương tuyên truyền, hướng dẫn mở tài khoản, chi trả an sinh xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng với 3.828 tài khoản góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 5,81% năm 2015, đến năm 2024 xuống còn 1,51%; 83/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới đã ghi dấu ấn cuộc hành trình của tín dụng chính sách trên vùng đất chiêm trũng Hà Nam. Nhờ có mô hình tổ chức quản lý phù hợp với mạng lưới rộng khắp nên 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế có nhu cầu, đủ điều kiện đã được tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen, đảm bảo an sinh và an toàn trật tự xã hội trên địa bàn.

Đơn cử gia đình ông Trần Văn Lực thôn Thanh Nga - xã Phú Phúc huyện Lý Nhân thuộc diện hộ nghèo của xã. Ông Lực chia sẻ “trước đây kinh tế gia đình tôi khó khăn, chủ yếu thu nhập từ đồng ruộng, thu nhập bấp bênh. Nhận được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân xã cũng như của thôn, gia đình tôi được bình xét cho vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo thông qua NHCSXH huyện để xây chuồng trại, chăn nuôi lợn. Nhờ được vay vốn từ NHCSXH mà kinh tế gia đình tôi đã được cải thiện có thêm thu nhập từ việc chăn nuôi. Hiện nay gia đình tôi đã thực hiện trả nợ gốc, lãi đầy đủ".

Cơ sở sản xuất giò Hiền của gia đình chị Nguyễn Thị Hà – Thôn Trung Tiến, xã Công Lý, huyện Lý Nhân. Hiện nay ngoài 2 vợ chồng chị, chị còn thuê thêm 4 nhân công là người địa phương làm việc bán thời gian. Mỗi ngày cơ sở của chị cung cấp ra thị trường gần 200kg giò, đem lại lợi nhuận khoảng 45 – 50 triệu đồng/tháng. Chị chia sẻ: Những năm trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo trong xã. Nghề sản xuất giò vốn là nghề truyền thống của gia đình nhưng sản xuất thủ công do vốn làm ăn hạn hẹp. Có được cơ ngơi như hiện tại thì nguồn vốn được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đóng vai trò rất lớn. Ban đầu gia đình chị được vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tiếp đó là 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo, rồi 100 triệu từ chương trình giải quyết việc làm. Khoản tiền vay dù nhỏ, nhưng với lãi suất ưu đãi đã giúp gia đình chị có điều kiện sửa sang cơ sở, mua sắm thêm một số máy móc thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập.

Qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Kết luận số 06- KL/BBT ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của tín dụng chính sách đó là vai trò của Chủ tịch UBND xã trong công tác quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh Tùng – Chủ tịch UBND xã Công Lý cho biết: “Đối với công tác quản lý vốn tín dụng chính sách trước khi làm thủ tục để giải ngân nguồn vốn, UBND xã luôn chỉ đạo các đơn vị Hội đoàn thể nhận ủy thác phối hợp cùng Trưởng thôn, các Tổ Tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức rà soát nhu cầu vay vốn, họp bình xét các hộ vay vốn đúng đối tượng tạo thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong xã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đến nay dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt trên 40 tỷ với 533 hộ đang vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã đóng góp tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội trên địa bàn".

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư, bà Lê Thị Kim Dung, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Nam cho biết: Một là, kiến nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về tín dụng chính sách xã hội; Hai là, kiến nghị UBND các cấp tiếp tục quan tâm thực hiện có hiệu quả theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030; Ba là, kiến nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội.