Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tiện ích từ dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

Tin tức, sự kiện  
Tiện ích từ dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay đã trở thành dịch vụ tiện ích được các tổ chức, cá nhân tin tưởng lựa chọn và sử dụng thông qua nhiều hình thức giao dịch. Chủ thẻ có thể thanh toán qua tài khoản thẻ rút tiền tự động ATM, máy quẹt thẻ EDC/POS, giao dịch trực tuyến trên internet Banking/Mobile Banking, điện thoại thông minh.

Lợi ích của giao dịch trực tuyến trước hết với chủ thẻ có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi mà không phải thanh toán trực tiếp theo phương thức truyền thống. Và hơn nữa, đối với cơ quan, đơn vị được hưởng lương ngân sách thanh toán qua tài khoản cá nhân ATM giúp hệ thống Kho bạc Nhà nước nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chi, nhất là các khoản chi cho con người. Từ đó, không chỉ góp phần tăng cường quản lý tài chính tại các cơ quan, đơn vị mà thông qua các hình thức giao dịch này giúp chủ thẻ thanh toán bảo đảm kịp thời, chính xác, an toàn. 

Tiện ích từ dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

Hoạt động giao dịch ATM trên đường Biên Hòa, thành phố Phủ Lý.

Hoạt động giao dịch ATM và thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng với một số dịch vụ công như: điện, nước, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng ở tỉnh ta thời gian qua đã được các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng tham gia. Tính đến ngày 31/8/2020, toàn tỉnh đã có 1.291 đơn vị trả lương qua tài khoản, tăng 330 đơn vị so với đầu năm, với tổng số 100.174 thẻ ATM cá nhân. Trong đó, có 813 đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng 132 đơn vị và có 25.176 thẻ ATM cá nhân, tăng 3.209 thẻ. Các ngân hàng đã đầu tư lắp đặt tại các trung tâm thị trấn, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn 117 máy ATM (tăng 12 máy) và 273 máy POS.

Ông Đỗ Hữu Mạnh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lý Nhân cho biết: Đến nay, chi nhánh đã phát hành được 28.330 thẻ ATM, tăng gần 5.000 thẻ so với đầu năm. Trong số này, có 249 khách hàng đăng ký sử dụng các dịch vụ của ngân hàng với 152 thẻ thực hiện các giao dịch thường xuyên. Dịch vụ thẻ ATM trên địa bàn đang phát triển mạnh và đến nay chi nhánh đã lắp đặt được 6 máy ATM. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm chi nhánh  tiếp tục đầu tư lắp máy ATM tại thị trấn Vĩnh Trụ.

Tiện ích từ dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

Hoạt động thanh toán tiền điện online của Công ty Điện lực Hà Nam được thực hiện từ cuối năm 2016. Ảnh: Tiến Đoàn

Tại Công ty Điện lực Hà Nam, hoạt động thanh toán tiền điện online được thực hiện từ cuối năm 2016 và công ty đã hợp đồng với 7 ngân hàng thương mại, Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (Ecpay) đảm nhiệm thu tiền điện hằng tháng với khách hàng. Khi đăng ký tham gia dịch vụ này, định kỳ hằng tháng ngân hàng tự động trích tiền để thanh toán tiền điện từ tài khoản và gửi tin nhắn thông báo số dư tài khoản, kết quả thanh toán tiền điện cho từng khách hàng. Nếu thanh toán qua internet Banking/Mobile Banking, khách hàng có thông tin số tiền điện đã sử dụng để thanh toán qua điện thoại hoặc máy tính. Đến nay, Công ty Điện lực tỉnh đã cung cấp điện cho khoảng 326 nghìn khách hàng, trong đó 10% số khách hàng đã thanh toán dịch vụ điện qua ngân hàng và các đại lý kinh doanh điện tử trên địa bàn với số tiền thanh toán chiếm gần 90% tổng doanh thu tiền điện của công ty. Trong đó chủ yếu là khách hàng doanh nghiệp, hộ dân có sản lượng điện tiêu thụ cao và cán bộ công chức, viên chức, người lao động mở tài khoản tại ngân hàng. Còn tại cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh đã triển khai dịch vụ chi trả lương hưu và trợ cấp hằng tháng qua tài khoản ATM cho 2.463 người.

Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử đang phát triển mạnh và được giao dịch trực tuyến trên internet Banking/Mobile Banking, điện thoại thông minh tại nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ là kênh phân phối hàng hóa hữu hiệu, tiện ích. Theo đó, các cơ sở, doanh nghiệp áp dụng hình thức thanh toán trực tuyến với một số chính sách khuyến mại đặc biệt dành cho khách hàng. Ông Đặng Tuấn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Phương Cường, thành phố Phủ Lý cho rằng, thanh toán online hiện đang là xu thế tất yếu trong giao dịch thương mại điện tử. Qua đó giúp khách hàng, nhà cung cấp sản phẩm thanh toán nhanh chóng, bảo đảm an toàn, chính xác. Công ty đang áp dụng cho khách hàng mua lẻ khi thanh toán online được giảm  từ 5 – 10% tổng giá trị thanh toán. 

Qua tìm hiểu được biết, các cơ sở kinh doanh thực phẩm ở tỉnh ta thời gian qua cũng đã đẩy mạnh hoạt động giao dịch thanh toán trực tuyến. Chị Trịnh Thị Biên Thùy, chủ cơ sở kinh doanh bún sạch ở Đường Bùi Văn Dị, thành phố Phủ Lý cho biết: Những tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên khách hàng mua hàng online là chủ yếu. Hầu hết các đơn hàng nhận được khách hàng đều yêu cầu cơ sở cung cấp số tài khoản để chuyển tiền ngay sau khi nhận hàng. Thanh toán trực tuyến không chỉ mang lại nhiều tiện ích mà còn giúp chúng tôi thay đổi phương thức phục vụ mang tính chuyên nghiệp hơn.

Theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, đề ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Hiện nay, mặc dù hoạt động thanh toán qua ATM và giao dịch online ở tỉnh ta vẫn còn ở mức “khiêm tốn” nhưng kết quả bước đầu từ các dịch vụ đã được người dân, các tổ chức hưởng ứng tham gia tích cực. Vì vậy, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiện ích của dịch vụ, đồng thời bố trí lắp đặt thêm các máy ATM ở khu vực công cộng, máy POS ở cửa hàng, siêu thị, tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng. Từ đó, từng bước thay đổi thói quen trong giao dịch của khách hàng, góp phần thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao.​

Baohanam.com.vn