Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra

          Khẳng định về vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công việc của Đảng và Nhà nước ngày càng nhiều. Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. ".

          Hồ Chí Minh đánh giá rất cao ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra việc và kiểm tra người. Người thường xuyên nhắc nhở Đảng phải chú ý xem xét lại những nghị quyết và những chỉ thị mà mình ban ra đã được thi hành thế nào. Nếu không như vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đã ban hành sẽ hóa ra những lời nói suông và còn làm hại đến lòng tin của dân đối với Đảng.

          Theo Hồ Chí Minh: “Kiểm tra phải có hệ thống nghĩa là khi đã có nghị quyết, thì phải lập tức đốc thúc sự thực hành nghị quyết ấy, phải biết rõ sự sinh hoạt và cách làm việc của cán bộ và nhân dân địa phương ấy. Có như thế mới kịp thời thấy rõ những khuyết điểm và những khó khăn, để sửa đổi các khuyết điểm và tìm cách giúp đỡ để vượt qua mọi sự khó khăn".

          Về cách kiểm tra cấp dưới của những người lãnh đạo, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ".

          Hình thức, phương pháp kiểm tra đúng rất quan trọng, nhưng yếu tố quyết định hiệu quả của mỗi cuộc kiểm tra là ở người kiểm tra. Vì hình thức, phương pháp kiểm tra mới chỉ là phương tiện, cái quyết định là ở người sử dụng các phương tiện ấy. Hồ Chí Minh đề cao hình thức kiểm tra thường xuyên và phương pháp kiểm tra trực tiếp.

          Thông qua công tác kiểm tra, nếu thấy cán bộ, đảng viên có sai lầm, khuyết điểm cần phải kịp thời chấn chỉnh. Cách nhắc nhở, chấn chỉnh những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm của Hồ Chí Minh rất độ lượng nhưng cũng rất cụ thể, thiết thực: “Các đồng chí ở huyện phải đi xuống xã mà xem xét, kiểm tra, chớ làm theo lối quan liêu, tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được. Làm như vậy trâu bò sẽ bị gầy đi vì đói, vì rét, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất".

          Để khắc phục bệnh quan liêu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên theo Hồ Chí Minh cần: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại. Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo. Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải thải đi".


Bản tin nông thôn mới