Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012 - 2015

Chiến lược, định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển  
Chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012 - 2015
Ngày 10/12/2012, UBND tỉnh đã ban bành Quyết định số 29/2012/QĐ-UBND về việc quy định một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012 - 2015.
UBND tỉnh yêu cầu:
1. Các sở, ban, ngành thực hiện việc hỗ trợ đầu tư khi các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn có đầy đủ thủ tục theo đúng quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư đúng quy định, đúng đối tượng, có hiệu quả và huy động kịp thời vốn để thực hiện dự án.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn; hướng dẫn các chủ đầu tư lập dự án và thiết kế các công trình cấp nước sạch nông thôn sau khi có chủ trương đầu tư; chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường lập kế hoạch định kỳ lấy mẫu phân tích, kiểm tra, đánh giá chất lượng nước tại các trạm cấp nước tập trung nông thôn và hộ gia đình, đề xuất kịp thời các biện pháp xử lý khi chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo; rà soát, kiểm tra nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị cấp nước hiện có; có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật quản lý vận hành, khai thác công trình cho các đơn vị cấp nước, quản lý khai thác công trình trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập danh mục đầu tư các công trình cấp nước tập trung và các công trình phải chuyển đổi mô hình quản lý vận hành trình UBND tỉnh phê duyệt để kêu gọi đầu tư trên địa bàn; trên cơ sở đề xuất kế hoạch hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Sở Tài chính cân đối nguồn vốn cho từng dự án; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt.
4. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, tổ chức thẩm tra, trình duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo quy định; chủ trì cùng với các sở, ngành liên quan đánh giá, xác định giá trị tài sản còn lại đối với các công trình cấp nước khi chuyển đổi để bàn giao cho chủ đầu tư mới; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thẩm định các phương án giá thành, giá tiêu thụ nước sạch nông thôn phù hợp với khung giá của Bộ Tài chính và thực tế của địa phương; phối hợp với các sở, ngành liên quan thanh toán vốn chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung nông thôn.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét thẩm định và giải quyết kịp thời việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án cấp nước sạch nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có trách nhiệm quan trắc, theo dõi chất lượng nước đầu vào để quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên nước mặt, nước ngầm; thường xuyên cung cấp thông tin cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế về tình hình ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và các tác động ảnh hưởng đến nguồn nước.
6. Sở Y tế thường xuyên giám sát, đánh giá chất lượng nước sinh hoạt; kịp thời cung cấp thông tin cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình bệnh tật liên quan đến nguồn nước sinh hoạt nông thôn.
7. UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong lĩnh vực nước sạch nông thôn ở địa phương theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt; tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân chấp hành tốt các quy định của phát luật về đất đai; chỉ đạo UBND cấp xã vận động người dân sử dụng nước sạch, sử dụng tiết kiệm, tham gia bảo vệ công trình cấp nước, bảo vệ nguồn nước.
8. UBND cấp xã thực hiện biện pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cấp nước trong suốt quá trình đầu tư, khai thác công trình, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, của cộng đồng; vận động nhân dân tham gia sử dụng nước sạch và đóng góp kinh phí để mở mạng cấp nước đến hộ gia đình; phối hợp cùng đơn vị cấp nước, quản lý, khai thác công trình, bảo vệ công trình và bảo vệ nguồn nước./.​