Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đình Hội Động xã Đức Lý

Giới thiệu chung Di tích lịch sử, danh thắng  
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đình Hội Động xã Đức Lý
Đình Hội Động là công trình kiến trúc quy mô lớn, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc mang đậm phong cách thời Nguyễn và một phần thời Hậu Lê, đồ thờ phong phú đa dạng với nhiều chất liệu, thể loại khác nhau có giá trị nghiên cứu cao.

Căn cứ vào thần phả, sắc phong cùng các tư liệu Hán văn, còn lưu giữ tại di tích, các tư liệu khảo sát nghiên cứu sưu tầm và truyền thuyết ở địa phương, thôn Hội Động xưa có hai đình: đình Trong và đình Ngoài, mỗi đình thờ 7 vị thần. Năm 1961, đình Ngoài bị hư hỏng nặng nên nhân dân địa phương đã rước bát hương, ngai, bài vị về thờ chung ở đình Trong cho đến nay.

Hiện nay đình thờ 14 vị thần: Thiên quan Cửa Tự đại vương; Thiên quan Đầu Kiều đại vương thời vua Lê Đại Hành nhà Tiền Lê; Linh Lang đại vương Thái tử con vua Lý Thái Tông; Đông Hải Đoàn Thượng Đại vương bậc trung thần nhà Lý; Đông Phương Đại vương, Đông Bảng Đại vương thời Trần; Cổ tích Đại vương, Ngũ Lôi đại vương, Cửa Thí Đại vương, chàng Nhỏ Đại vương thời Hậu Lê triều Lê sơ; Quan Long mạch hiệu Long Chấu Đại vương, Quan bản Thổ đại vương và Hậu thần Cẩm y vệ chỉ huy Sứ Phạm Hữu Tài, Cẩn đức chính phu nhân Đặng Thị Vinh thời Hậu Lê (Lê Trung Hưng).

cong-dinh.jpg

Quang cảnh trước đình

Đình Hội Động, xã Đức Lý được xây dựng từ lâu đời, trên một khoảnh đất cao với diện tích 3982,0m2, có ruộng, vườn, xung quanh trồng nhiều loại cây lưu niên, tạo cảnh quan sầm uất, mát mẻ. Đình có hai cổng. Cổng chính diện trước cửa đình, xây bức bình phong lớn hình cuốn thư để trấn giữ mặt tiền, cổng bên phải đình để qua lại. Mặc dù ba lần đổi lại hướng đình (lần cuối cùng vào năm thứ 12 niên hiệu Thành Thái 1900) ngôi đình vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn kiến trúc thời Nguyễn và một phần thời Hậu Lê (Lê Trung Hưng). Với quy mô lớn, bố cục mặt bằng hình chữ tam, tiền đường 5 gian, trung đường và hậu cung mỗi tòa 3 gian. Số lượng đình có quy mô và bố cục mặt bằng như vậy ở trong vùng còn lại không nhiều.

Trải qua hai cuộc chiến tranh giữ nước, mặc dù nằm trong vùng tạm chiếm, bị càn quét, lấn chiếm, nhân dân địa phương vẫn gìn giữ được những giá trị vật thể và phi vật thể của ngôi đình. Trên những bức mê cốn, xà nách, bẩy tiền, bẩy hậu...đều được chạm khắc trang trí đề tài tứ linh, tứ quý, rồng, mây, hoa lá, muông thú, mang đậm nét dân gian. Đề tài tứ linh, tứ quý thường được các nghệ nhân xưa chạm khắc trang trí trên kiến trúc ở các di tích, song ở đình Hội Động với bàn tay điêu luyện qua cách bài trí, thay đổi hình dáng, kích thước, vị trí của long, ly, quy, phượng, của từng cặp mai trúc, cúc tùng hóa long, thế rồng giáng đan xen hươu, nai, chim, rùa, cổng tam quan, cầu gỗ... tạo nên những bức tranh dân gian gắn với cảnh sắc giữa con người với thiên nhiên. Đình Hội Động còn lưu giữ được nhiều đồ thờ và hiện vật quý có giá trị như: bia đá thời Hậu Lê (1660 - 1668) bát hương sành, sứ, 16 cỗ long ngai, kiệu long đình, kiệu bát cống góp phần nâng cao giá trị kiến trúc nghệ thuật cho di tích.

trong-dinh.jpg

Không gian thờ tự bên trong đình

Để tưởng nhớ tới công lao của các vị thần được thờ và theo lệ làng, tại đình Hội Động xưa, trong năm tổ chức 4 ngày đại lệ vào mồng 4 tháng giêng, mồng 10 tháng 6, mồng 4 tháng 10 và mồng 4 tháng 11. Mười kỳ tiểu lệ: diễn ra vào mồng 1, 2, 3, 8 tháng giêng; mồng 5, 25 tháng 5; 15 tháng 8; 25 tháng 10; 24 tháng 12 và 30 tháng 12. Ngòai ra trong năm, tại đình, dân làng còn có lệ tế kỳ an vào hè ngày mồng 1 tháng 4, lệ cơm mới ngày 15 tháng 4. Hai ngày sóc vọng (mồng một, ngày rằm) hàng tháng giao cho hội Tư văn sửa lễ.

Từ những giá trị về Lịch sử - văn hóa nêu trên, năm 2013 Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam trân trọng đề nghị Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích đình Hội Động xã Đức Lý là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia loại hình Kiến trúc – Nghệ thuật, tạo cơ sở pháp lý để chính quyền và nhân dân địa phương bảo tồn, phát huy giá trị của di tích được tốt hơn.