Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói thiên tai cũng là kẻ thù của người dân, vì: “Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc". Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm". Vì vậy, chỉ đạo việc phòng, chống thiên tai là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn nhắc nhở về việc chống lũ, chống hạn, không được chủ quan và phải đặc biệt quan tâm đến việc củng cố hệ thống đê điều. Người luôn chú trọng việc phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi, thường xuyên khuyến khích phong trào đắp đê, xây kè, chống hạn và dành thời gian đi kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, sửa chữa các công trình thủy nông, đê điều, tham gia động viên tát nước chống hạn, chống úng với bà con nông dân và cán bộ các địa phương.
Coi thiên tai là một loại giặc, giặc “tiên phong của đói và nghèo", nên theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng, chống thiên tai không chỉ là củng cố, bảo vệ đê điều, chống hạn hán, lũ lụt mà còn phải chống nạn phá rừng, là tăng cường trồng cây gây rừng, vì “nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán. Vì vậy đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình", v.v... Theo Người, một phương án phòng, chống thiên tai tốt không chỉ là sản phẩm trí tuệ của người cán bộ chuyên trách, đó còn là sự vận dụng kinh nghiệm thực tiễn, nên nó sẽ hoàn chỉnh hơn, hiệu quả hơn khi tranh thủ được ý kiến của Nhân dân, được bàn bạc kĩ với Nhân dân trước khi thực hiện, vì thế “cán bộ các cấp phải nhận rõ trách nhiệm, phải có kế hoạch thiết thực và đầy đủ, phải đi sát với nhân dân", đồng thời “cán bộ phải đi xuống cơ sở cùng với đồng bào bàn kế hoạch và thực hiện kế hoạch phòng và chống lụt, bão cho tốt".
Quan tâm đến tình hình thiên tai trên cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kịp thời thăm hỏi, động viên cán bộ và Nhân dân ở những vùng bị thiệt hại nặng do bão lũ, do hạn hán. Tình cảm, tấm lòng của Người hiển hiện trong từng lời động viên, từng dòng chữ của những bức thư. Trong những năm nước nhà còn tạm thời bị chia cắt, dù xa xôi cách trở, đồng bào miền Nam cũng nhận được từ Bác những lời chia sẻ: “Mấy tỉnh miền Nam bị bão lụt dồn dập. Hàng nghìn đồng bào bị hy sinh. Hàng vạn nhà cửa bị đổ nát. Làng mạc xơ xác, vườn ruộng tơi bời. Máu chảy ruột mềm, được tin tức đó, tôi và toàn thể đồng bào miền Bắc rất là đau xót như muối xát vào lòng".
Công việc giữ đê, phòng lụt, chống lụt, phòng bão, chống bão là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng vì lợi ích của mọi cấp chính quyền và người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Chính phủ sẵn sàng khen thưởng những đơn vị và những cá nhân có thành tích xuất sắc. Mong đồng bào, bộ đội và cán bộ thi đua làm tròn nhiệm vụ". Người thường xuyên khen ngợi những cá nhân, những tập thể có thành tích trong công tác phòng chống thiên tai, đồng thời dành những lá cờ luân lưu, huy hiệu của Người để thưởng cho các địa phương, các đơn vị có nhiều thành tích về làm thủy lợi, chống hạn, chống úng, giữ đê tốt; đồng thời, Người cũng nghiêm khắc phê bình những cá nhân, những địa phương chưa làm tốt công tác phòng chống thiên tai.
Bác Hồ đã đi xa, nhưng những lời dạy của Người về các giải pháp phòng, chống thiên tai sẽ mãi là kim chỉ nam cho các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các thế hệ mai sau học tập và làm theo.