Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đấu chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận về việc xét xử đối tượng Phạm Thị Đoan Trang

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Đấu chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận về việc xét xử đối tượng Phạm Thị Đoan Trang
Ngày 14/12/2021, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam". Trước, trong và sau thời điểm diễn ra phiên tòa, một số cá nhân, tổ chức chống phá ngoài nước kêu gọi Nhà nước Việt Nam phải trả tự do cho Phạm Thị Đoan Trang, đồng thời vu cáo Việt Nam đàn áp những người "bất đồng chính kiến", nhà "đấu tranh dân chủ", "hoạt động nhân quyền". Đây rõ ràng là những luận điệu xuyên tạc nhằm cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Thị Đoan Trang và các đối tượng chống đối khác.

          Đối tượng Phạm Thị Đoan Trang không còn là cái tên xa lạ với nhiều người. Là một người có tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết liệt, là tác giả của nhiều cuốn sách có nội dung hướng dẫn, kích động các hoạt động chống phá, đối phó với các cơ quan chức năng hướng đến lật đổ chính quyền nhân dân như "Chính trị bình dân", "Cẩm nang nuôi tù", "Phản kháng phi bạo lực", trực tiếp thành lập và tham gia điều hành nhiều hội, nhóm bất hợp pháp, đồng thời, đứng sau lôi kéo lập nhóm "Du ca Sài Gòn", "Tuổi trẻ làm đẹp quê hương" khuyếch trương lực lượng chống đối trong nước, tập hợp lực lượng chống đối trong giới văn nghệ sĩ, trí thức trẻ. Phạm Thị Đoan Trang cũng lập và điều hành các trang mạng "Luật khoa tạp chí", "Phamdoantrang.com", "The Vietnamese magazine"; viết, tán phát nhiều bài viết, cuốn sách có nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động lật đổ chế độ. Phạm Thị Đoan Trang là thành viên cốt cán của Tổ chức VOICE; là một trong những người sáng lập và duy trì hoạt động của Nhà xuất bản Tự do - một tổ chức dân sự trá hình, hoạt động trái phép chuyên xuất bản, in ấn và phát hành các ấn phẩm có nội dung tiêu cực, xuyên tạc, kích động bạo lực, chống phá Đảng, Nhà nước.

          Từ ngày 16/11/2017 đến 5/12/2018, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành nhiều tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cụ thể, Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu như: "Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam"; "Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam", "Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam"… Đây là những tài liệu có nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Là một người có học thức, được đào tạo bài bản nhưng đáng tiếc Phạm Thị Đoan Trang lại không sử dụng những kiến thức đã học được để phục vụ lợi ích của quê hương, đất nước. Ngược lại, giống như nhiều đối tượng bị tác động, lôi kéo rồi biến chất khác, Phạm Thị Đoan Trang ca ngợi các giá trị phương Tây và tích cực tham gia các hoạt động xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Việc Phạm Thị Đoan Trang chịu án phạt tù là lẽ hiển nhiên. Ấy thế nhưng, một số cá nhân, tổ chức lại đăng tải những thông tin, luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, vu cáo Việt Nam. Hành vi của Phạm Thị Đoan Trang và những đối tượng chống đối khác đã tạo cớ cho các nước, các tổ chức, cá nhân bên ngoài lợi dụng để phê phán, vu cáo, hạ thấp uy tín, hình ảnh của Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta hoan nghênh và bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí; tuy nhiên, thực thi các quyền tự do này phải trong khuôn khổ pháp luật.

          Những ý kiến, tiếng nói phản biện tích cực, mang tính xây dựng luôn được đón nhận, song những quan điểm kích động, chống phá, gây rối loạn xã hội cần phải đấu tranh, loại trừ. Tự do luôn gắn liền với trách nhiệm, quyền lợi luôn gắn liền với nghĩa vụ và không có thứ tự do nào đứng ngoài hay đứng trên pháp luật. Trật tự, kỷ cương chỉ có thể được giữ vững khi pháp luật được thượng tôn. Đây chính là cơ sở vững chắc cho sự phát triển ổn định của đất nước và tiền đề quan trọng để bảo đảm, thúc đẩy và phát huy các giá trị quyền con người.


Bản tin NTM