Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đấu tranh phản bác âm mưu xuyên tạc việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Đấu tranh phản bác âm mưu xuyên tạc việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của Nhân dân; đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc. Tinh thần đó được Đảng, Nhà nước ta thể hiện bằng hệ thống chính sách phù hợp ngay từ khi Đảng ta mới thành lập và với từng giai đoạn cách mạng. Tuy nhiên, với phương châm lấy chống phá về chính trị tư tưởng làm hàng đầu, kinh tế làm mũi nhọn, ngoại giao làm hậu thuẫn, tôn giáo, dân tộc làm ngòi nổ, trong những năm gần đây các thế lực phản động và thù địch đang lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để kích động, chia rẽ nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta nhằm chuyển hoá chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội. Trong đó, các đối tượng thường sử dụng những thủ đoạn chính sau:

          Một là, lôi kéo, cổ súy, hậu thuẫn cho một số chức sắc tôn giáo ở trong nước tuyên truyền, bôi nhọ chế độ, chính quyền các cấp, xuyên tạc về việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam

          Có thể thấy, trong hàng ngũ chức sắc tôn giáo ở Việt Nam, bên cạnh đa số đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước thì có một số cá nhân được sự cổ súy, hậu thuẫn, xúi giục của các thế lực thù địch dẫn đến có cái nhìn sai lệch về Nhà nước, về chế độ, thậm chí hình thành tư tưởng thù địch, chống đối với chính quyền. Từ đó, thông qua các buổi sinh hoạt đạo, giảng giáo lý…, các đối tượng này cố tình lồng ghép các tư tưởng, thông tin sai lệch, xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo những sự kiện ở trong nước, kích động các tín đồ chống đối chính quyền, xuyên tạc việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam. Điển hình là linh mục Nguyễn Đình Thục, Nguyễn Hữu Nam, Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Ngọc Phong,… Gần đây nhất, ngày 13/7/2022, linh mục Nguyễn Đình Thục đã kích động, chỉ đạo giáo dân giáo xứ Bình Thuận, xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An tiến hành các hoạt động chống đối, cản trở, làm bị thương 04 chiến sĩ Cảnh sát cơ động trong quá trình bảo vệ thi công Dự án WHA Industrial Zone 1 Nghệ An, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

          Hai là, đưa ra các báo cáo, số liệu, xếp hạng có nội dung sai lệch, không phản ánh đúng thực tế về việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam

          Ngày 25/4/2022, Ủy Ban Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) đưa ra Báo cáo về Tự do Tôn giáo năm 2022. Có thể thấy, trong nội dung báo cáo về Việt Nam, với những luận điệu sai lệch, cho rằng việc triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ở nhiều địa phương còn bất cập, thiếu đồng bộ; lực lượng chức năng của Việt Nam “tiếp tục đàn áp, sách nhiễu tín đồ, tổ chức tôn giáo chưa được công nhận". Thậm chí tổ chức này còn đề nghị Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào “danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt" hoặc “danh sách cần theo dõi đặc biệt" về tự do tôn giáo, từ đó nhằm áp đặt chế tài với các quốc gia này trong hỗ trợ tài chính và hợp tác trên một số lĩnh vực. Đồng thời một số tổ chức khác như Nghị viện châu Âu, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế (AI)... thường xuyên tổ chức những cuộc hội thảo, họp báo, điều trần, ban hành nghị quyết, các bản phúc trình sai sự thật, bóp méo tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam, mà đặc biệt là tại các vùng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống.

          Thực tế, báo cáo của USCIRF cũng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận quốc tế. Trong đó, một số trong chính giới Mỹ nhận xét báo cáo thiếu khách quan, đi ngược lại lợi ích quan hệ giữa Mỹ và các nước. Đồng thời, thực tiễn đã cho thấy việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây thường xuyên tổ chức các cuộc điều trần về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia “không có tự do tôn giáo" cũng chỉ nhằm mục đích tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta, từ đó thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình" làm thay đổi bản chất của chế độ, đưa Việt Nam vào sự lệ thuộc.

          Ba là, xây dựng các tổ chức chính trị đối lập dưới vỏ bọc tôn giáo, đặc biệt là tại các vùng dân tộc thiểu số của nước ta như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ

          Thời gian qua, các thế lực thù địch, đối tượng phản động thường xuyên tiến hành các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo lập ra một số hình thức “tôn giáo" riêng cho người dân tộc thiểu số như “Phật giáo riêng của người Khơme"; “Tin Lành Đềga" ở Tây Nguyên; “Tin Lành riêng của người Mông". Có thể thấy, các thế lực cực đoan, chống đối âm mưu sử dụng tôn giáo như một công cụ để lôi kéo, khống chế đồng bào các dân tộc thiểu số, hình thành lực lượng đối lập với chính quyền, kích động, gây mâu thuẫn, xung đột với chính quyền và đẩy tới “giải tôn giáo, giải lãnh thổ" ở các vùng dân tộc thiểu số của nước ta. Khi những thủ đoạn này bị chính quyền phát hiện và can thiệp, các đối tượng chống đối sẽ tuyên truyền vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp tôn giáo, vi phạm tự do tôn giáo, vi phạm nhân quyền.

          Cần khẳng định, việc đưa các luận điệu vu cáo rằng Việt Nam có các hoạt động đàn áp tôn giáo, cấm đoán các tổ chức tôn giáo là những vu cáo vô căn cứ, không có cơ sở. Bởi, nếu có thái độ khách quan, các tổ chức, cá nhân sẽ phải công nhận quan điểm, chính sách nhất quán cũng như thành tựu của Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều đó đã quy định rõ trong Hiến pháp và luôn được quan tâm, hoàn thiện trong hệ thống pháp luật để chính sách tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm và tôn trọng. Đồng thời, bên cạnh việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước ta cũng nghiêm cấm mọi hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân. Bất kỳ ai, nếu vi phạm pháp luật dù với bất cứ lý do gì đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật.


Bản tin NTM