Một trong những đặc trưng của hoạt động công vụ là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước (hoạt động gắn với nhà nước hoặc nhân danh nhà nước) do các công chức, viên chức nhà nước tiến hành theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, phục vụ lợi ích nhà nước và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân". Vì vậy, nâng cao đạo đức công vụ không chỉ là công việc thường xuyên của bản thân đội ngũ công chức mà còn là trách nhiệm của các chủ thể quản lý công chức. Để nâng cao đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị tôi đưa ra một số giải pháp cơ bản như sau:
1.1. Tăng cường công tác giáo dục cho đội ngũ cán bộ, công chức, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực, luôn bám sát thực tiễn, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng công tác, rèn luyện bản lĩnh và năng lực lãnh đạo, quản lý, khả năng hợp tác, tổ chức thực hiện và sự chịu trách nhiệm; kiên quyết và kiên trì trong cuộc đấu tranh chống lại những biểu hiện sai trái.
1.2. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai việc thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2015 của Bộ Chính gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4- khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến" và “tự chuyển hóa" trong nội bộ.
1.3. Xây dựng và hoàn thiện quy chế công vụ, đạo đức công vụ thông qua hệ thống pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cho từng loại, từng chức danh công chức. Cụ thể hóa những giá trị đạo đức như cần, kiệm, liêm chính,… thành những chuẩn mực cụ thể trong hành vi công vụ. Phát huy dân chủ trên cơ sở những quy định và chuẩn mực pháp luật, tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước. Xây dựng và hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ, công chức (quy trình, nội dung đánh giá) theo hướng công khai, dân chủ, có sự tham gia của dư luận xã hội và công dân.
1.4. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công chức, cần đánh giá khách quan và chính xác năng lực, phẩm chất của mỗi thành viên trong cơ quan, đơn vị và sử dụng đúng năng lực của họ, sử dụng đúng người đúng việc, khuyến khích được người tài, người giỏi phát huy năng lực đóng góp cho cơ quan đơn vị, qua đó đóng góp cho Nhà nước và xã hội.
1.5. Có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp với cán bộ, công chức dựa trên nguyên tắc về sự công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và trách nhiệm. Cải cách hệ thống tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo trả đúng sức lao động và giá trị cống hiến của cán bộ, công chức, tạo động lực thực hiện công vụ là giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng nhằm khuyến khích sự tận tâm thực hiện công vụ, khen thưởng thích đáng về vật chất và tinh thần đối với cán bộ, công chức làm việc tốt, tận tụy và trong sạch.
1.6. Thường xuyên giáo dục và nêu cao tinh thần tự tu dưỡng đạo đức công vụ thông qua việc giáo dục chính trị, pháp luật, đạo đức, thẩm mỹ, văn hóa giao tiếp, ý thức lao động, kỹ năng lao động nghề nghiệp, giáo dục phẩm hạnh, lòng tự trọng, tình thương yêu con người… Đặc biệt chú trọng mối quan hệ mật thiết giữa quy phạm pháp luật và các quy phạm đạo đức. Mặt khác, coi việc xử lý nghiêm, kịp thời và công bằng những sai phạm của cán bộ, công chức có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục và răn đe cán bộ, công chức, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào Nhà nước và pháp luật.
1.7. Thông qua hoạt động công vụ, phục vụ nhân dân, người cán bộ, công chức không chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình là cống hiến cho xã hội mà còn phát triển làm phong phú bản thân. Mọi cán bộ, công chức đều phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: Đạo đức cách mạng không phải tự nhiên có được, mà nó là kết quả của cả một quá trình khổ luyện, phấn đấu không ngừng, “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".
1.8. Hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử phạt hành vi vi phạm đạo đức công vụ. Thực hiện công khai hóa quá trình tuyển chọn, sử dụng đánh giá cán bộ, công chức, đưa các yếu tố về đạo đức công vụ vào nội dung tuyển dụng và đánh giá kết quả hoạt động. Có quy định rõ, cụ thể các hành vi cán bộ, công chức được làm hoặc không được làm, công khai các lợi ích của họ, có chế tài xử phạm nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức công vụ, tùy theo mức độ vi phạm, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm soát nội bộ chặt chẽ nhằm phát hiện các nguy cơ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức và hoạt động công vụ, đảm bảo quyền dân chủ cơ sở để nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Hoàn thiện cơ chế quản lý và làm rõ thẩm quyền quản lý từng loại cán bộ, công chức của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị; định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong quản lý hoạt động công vụ của cấp dưới thuộc quyền.
1.9. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời và công bằng những sai phạm của cán bộ, công chức có hành vi vi phạm đạo đức công vụ, những hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của công dân, đặc biệt là các trường hợp tái phạm, có tổ chức, có tình tiết nghiêm trọng cần phải được xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời và công bằng nhằm góp phần giáo dục và răn đe cán bộ, công chức, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào Nhà nước và pháp luật. Thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình trong tất cả các cơ quan hành chính các cấp nhằm đề cao giá trị đạo đức, sự hướng thiện của con người, ngăn ngừa, hạn chế sa sút, suy thoái đạo đức.
1.10. Xây dựng cơ chế trách nhiệm người đứng đầu, trong đó có quy định về từ chức. Vấn đề từ chức rất cần sức mạnh của dư luận xã hội, như là một nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, từng cá nhân cán bộ, công chức, loại bỏ những cơ chế, thủ tục dẫn tới khả năng tiêu cực, sách nhiễu nhân dân nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức làm điều tốt, có điều kiện cống hiến, phát huy năng lực phục vụ đất nước và nhân dân. Quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan chủ trì và trách nhiệm của các cơ quan phối hợp.
1.11. Triển khai thực hiện tốt chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước (Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ). Trong đó cần tập trung quyết liệt cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định về quy trình, thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà cho việc tiếp nhận và xử lý công việc của công dân; kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, thủ tục rườm rà, chồng chéo, những loại giấy tờ không cần thiết, công khai hóa, minh bạch hóa các quy định về trình tự, thủ tục hành chính nhằm ngăn ngừa cán bộ, công chức lợi dụng kẽ hở từ những quy định của pháp luật để vận dụng tùy tiện trong giải quyết công việc dẫn tới khả năng tiêu cực, sách nhiễu nhân dân.
1.12. Nâng cao đạo đức công vụ trong bộ máy công quyền là một đòi hỏi tất yếu và để thực hiện được cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ vừa đề cao giá trị đạo đức, sự hướng thiện của con người, vừa có cơ chế tạo điều kiện cho các giá trị đạo đức phát triển và vừa ngăn ngừa, hạn chế sự sa sút, suy thoái đạo đức. Bồi dưỡng và nâng cao đạo đức công vụ trước hết là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, công chức; đồng thời, là kết quả từ nỗ lực chung của các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể của toàn xã hội.
Xem chi tiết tại đây:
sáng kiến đạo đức công vụ.pdf