1.Vị trí địa lý, địa hình:
2. Dân số:
Hiện nay huyện Lý Nhân có 22 xã và 1 thị trấn, với 195.800 nhân khẩu. Là huyện thuần nông, qua nhiều tháng năm lao động vất vả, nhân dân trong huyện đã đóng góp rất nhiều công sức, tiền của để xây dựng các công trình thủy lợi, đê, bối. Hàng trăm km đê bối sông Hồng, sông Châu Giang, sông Long Xuyên cùng hàng ngàn km mương máng sử dụng tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
3. Khí hậu: Có điều kiện thời tiết, khí hậu mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm ướt.
Nhiệt độ trung bình hàng năm vào khoảng 23-24oC, số giờ nắng trung bình khoảng 1300-1500giờ/năm. Trong năm thường có 8-9 tháng có nhiệt độ trung bình trên 20oC (trong đó có 5 tháng có nhiệt độ trung bình trên 25oC) và chỉ có 3 tháng nhiệt độ trung bình dưói 20oC, nhưng không có tháng nào nhiệt độ dưới 16oC.
Hai mùa chính trong năm (mùa hạ, mùa đông) với các hướng gió thịnh hành: về mùa hạ gió nam, tây nam và đông nam; mùa đông gió bắc, đông và đông bắc.
Lượng mưa trung bình khoảng 1900mm, năm có lượng mưa cao nhất tới 3176mm (năm 1994), năm có lượng mưa thấp nhất cũng là 1265,3mm (năm 1998).
Độ ẩm trung bình hàng năm là 85%, không có tháng nào có độ ẩm trung bình dưới 77%. Tháng có độ ẩm trung bình cao nhất trong năm là tháng 3 (95,5%), tháng có độ ẩm trung bình thấp nhất trong năm là tháng 11 (82,5%).
Khí hậu có sự phân hóa theo chế độ nhiệt với hai mùa tương phản nhau là mùa hạ và mùa đông cùng với hai thời kỳ chuyển tiếp tương đối là mùa xuân và mùa thu. Mùa hạ thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9, mùa đông thường kéo dài từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 3; mùa xuân thường kéo dài từ giữa tháng 3 đến hết tháng 4 và mùa thu thường kéo dài từ tháng 10 đến giữa tháng 11.
4. Điều kiện tự nhiên:
Diện tích tự nhiên là 167,045 km2, vốn là đất hình thành tại chỗ và do đất phù sa sông Hồng bồi đắp. Đất đai tương đối đồng đều, hình thành 3 vùng sinh thái khác nhau: vùng bãi bồi ngoài đê sông Hồng và bối sông Châu; vùng đồng chiêm trũng; vùng đất màu và cây công nghiệp thuận tiện cho việc trồng lúa nước, cây ngắn ngày, cây công nghiệp. Đặc biệt, Lý Nhân đã chú trọng tập trung cho việc sản xuất các loại cây trồng hàng hoá có giá trị cao như lúa chất lượng cao, dưa chuột…Khôi phục phát triển cây trồng có nguồn gien quý hiếm và nổi tiếng như: Chuối ngự Đại Hoàng (chuối tiến vua), Quýt hương Văn Lý.
5. Lịch sử, truyền thống văn hóa, di tích, danh thắng:
Lý Nhân là vùng đất hình thành sớm, mang đậm nét của nền văn minh Thăng Long. Huyện có nhiều công trình được công nhận là Di lịch sử -văn hoá-kiến trúc như: đình Văn Xá xã Đức Lý, đình Thọ Chương xã Đạo Lý, đình Đồng Lư, đền Bà Vũ Nương xã Chân Lý….Đặc biệt, Lý Nhân còn có Đền Trần Thương xã Nhân Đạo thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Hàng năm, vào giờ Tý ngày 15 tháng Giêng âm lịch được tổ chức Lễ Phát lương Đức Thánh Trần; ngày 20 tháng 8 âm lịch tổ chức Lễ tưởng niệm Ngày mất của vị Anh hùng dân tộc. Cùng với khu tưởng niệm Nhà văn-Liệt sĩ Nam Cao và các di tích khác sẽ hình thành quần thể du lịch, điểm đến hấp dẫn của du khách mọi miền Tổ quốc.
Dưới thời Văn Lang, Lý Nhân thuộc bộ Giao Chỉ, sau này thuộc huyện Chu Diên, quận Vũ Bình, bộ Giao Chỉ.
Thời Lý, Trần thuộc châu Lỵ Nhân, lộ Đông Đô (nay thuộc Hà Nội).
Thời Lê sơ, năm Quang Thuận thứ 7 (1466), đổi tên huyện Lý Nhân thành huyện Nam Xương (đọc chệch là Nam Xang) cho khỏi trùng với phủ Lỵ Nhân.
Huyện lị trước đây đặt ở Chi Long, đến năm 1829 mới chuyển về Nga Thượng, Nga Khê, nay thuộc xã Nguyên Lý.
Năm 1832, huyện Nam Xương và Bình Lục được tách khỏi phủ Lỵ Nhân để thành lập phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội (tỉnh Hà Nội được thành lập năm 1831).
Ngày 21 tháng 3 năm Thành Thái thứ 2 (1890), huyện Nam Xang cùng các huyện Bình Lục, Thanh Liêm lập thành phủ Liêm Bình, thuộc tỉnh Nam Định.
Cuối năm 1890, chính quyền thực dân Pháp phân chia lại các đơn vị hành chính, bỏ cấp phủ thành lập các tỉnh mới thì Phủ Lý Nhân được tách khỏi tỉnh Hà Nội và sáp nhập thêm mấy tổng của Nam Định, thành lập tỉnh Hà Nam vào ngày 20/10/1890. Huyện Nam Xang tách khỏi Nam Định nhập vào tỉnh Hà Nam.
Ngày 31 tháng 3 năm 1923, huyện Nam Xang lấy lại tên cũ là huyện Lý Nhân.
Sau năm 1954, huyện Lý Nhân có 31 xã: Bảo Lý, Chân Lý, Chính Lý, Chung Lý, Công Lý, Đạo Lý, Đồng Lý, Đức Lý, Hòa Lý, Hồng Lý, Hợp Lý, Hùng Lý, Nguyên Lý, Nhân Bình, Nhân Chính, Nhân Đạo, Nhân Hậu, Nhân Hòa, Nhân Hưng, Nhân Khang, Nhân Long, Nhân Mỹ, Nhân Nghĩa, Nhân Phú, Nhân Phúc, Nhân Thắng, Nhân Thịnh, Nhân Tiến, Tân Lý, Văn Lý, Xuân Khê.
Ngày 27 tháng 6 năm 1972, hợp nhất xã Hồng Lý và xã Chân Lý thành một xã lấy tên là xã Chân Hồng, giải thể xã Nhân Long và sáp nhập thôn Do Đạo của xã Nhân Long vào xã Nhân Thịnh, sáp nhập thôn Thanh Nga của xã Nhân Long vào xã Nhân Phúc.
Ngày 23 tháng 2 năm 1977, hợp nhất xã Chính Lý và xã Hùng Lý thành một xã lấy tên là xã Chính Lý, hợp nhất xã Nguyên Lý và xã Hòa Lý thành một xã lấy tên là xã Nguyên Lý, hợp nhất xã Tân Lý và xã Chân Hồng thành một xã lấy tên là xã Chân Lý, hợp nhất xã Nhân Hòa và xã Nhân Hậu thành một xã lấy tên là xã Hòa Hậu.
Ngày 1 tháng 2 năm 1978, hợp nhất xã Nhân Tiến và xã Nhân Thắng thành một xã lấy tên là xã Tiến Thắng.
Ngày 27 tháng 3 năm 1978, hợp nhất xã Nhân Phú và xã Nhân Phúc thành một xã lấy tên là xã Phú Phúc, hợp nhất xã Bảo Lý và xã Chung Lý thành một xã lấy tên là xã Bắc Lý.
Ngày 13 tháng 2 năm 1987, thành lập thị trấn Vĩnh Trụ, thị trấn huyện lỵ huyện Lý Nhân trên cơ sở 175,84 ha diện tích tự nhiên và 3.518 nhân khẩu của xã Đồng Lý và 3,15 ha diện tích tự nhiên của xã Đức Lý.
Huyện Lý Nhân có 1 thị trấn và 22 xã như hiện nay.
Năm 2019, hai xã Nhân Hưng và Nhân Đạo sẽ được hợp nhất thành xã Hưng Đạo; xã Đồng Lý và thị trấn Vĩnh Trụ hợp nhất thành thị trấn Vĩnh Trụ mở rộng.