1. Mục tiêu tổng quát:
Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền
vững, phát triển đô thị Hà Nam theo hướng đô thị tăng trưởng xanh, thông
minh, hiện đại, nằm trong chuỗi đô thị động lực kết nối với các đô thị trong
vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là
hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển
đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền
vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu
về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện
đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, giữ gìn và phát huy các yếu tố văn hóa đặc
trưng, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về hệ thống đô thị:
- Đến năm 2025: Toàn tỉnh có 14 đô thị, gồm: 01 đô thị loại II (thành phố
Phủ Lý); 02 đô thị loại IV (thị xã Duy Tiên, thị xã Kim Bảng); 11 đô thị loại V
(Tân Thanh, Kiện Khê, Phố Cà - Huyện Thanh Liêm; Vĩnh Trụ, Hòa Hậu,
Nhân Mỹ, Thái Hà - Huyện Lý Nhân; Bình Mỹ, Tiêu Động (Ba Hàng), An Lão
(Đô Hai), Tràng An (Chợ Sông) - Huyện Bình Lục);
- Đến năm 2030: Toàn tỉnh có 09 đô thị, trong đó: Phấn đấu thành phố
Phủ Lý đạt tiêu chí đô thị loại I; Thị xã Duy Tiên là đô thị loại III tiến tới thành
lập thành phố Duy Tiên; huyện Kim Bảng là thị xã, cơ bản đạt tiêu chí đô thị
loại III; đô thị Thanh Liêm, đô thị Lý Nhân đạt tiêu chí đô thị loại IV; xây
dựng huyện Bình Lục hướng tới cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV với 02 đô thị
đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2030 và 02 đô thị loại V (An Lão, Tiêu
Động) làm hạt nhân hình thành phát triển đô thị Bình Lục trong giai đoạn sau.
- Phấn đấu đến năm 2035, tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc
Trung ương.
b) Về chỉ tiêu phát triển đô thị :
- Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 47,5%, đến năm 2030 đạt
khoảng 58%.
- Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng
thể, quy hoạch phân khu, chương trình phát triển đô thị; bảo đảm tối thiểu 100%
đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị,
nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị.
- Tỉ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 13 - 16% vào
năm 2025, 16 - 26% vào năm 2030.
- Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8
m2 vào năm 2025, khoảng 8 - 10m2 vào năm 2030.
- Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu
33,4m2 vào năm 2025, đến năm 2030 đạt tối thiểu 33,8m2
.
- Đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia
đình tại đô thị, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông
minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử đạt
trên 50%. Đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang,
phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài
khoản thanh toán điện tử trên 80%.
- Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả tỉnh khoảng 75% vào năm
2025 và khoảng 85% vào năm 2030.
3. Tầm nhìn đến năm 2045
Xây dựng tỉnh Hà Nam là thành phố trực thuộc Trung ương với tỷ lệ đô
thị hóa thuộc nhóm cao của cả nước, đóng vai trò là đầu mối kết nối; trung tâm
công nghiệp, dịch vụ du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng. Hệ thống đô thị
thống nhất theo hướng tăng trưởng xanh, hiện đại, thông minh, có khả năng
chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh,
bảo vệ môi trường. Cơ cấu kinh tế đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các
ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.